Chúng ta có nên theo đuổi chủ nghĩa tối giản?

Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) xuất hiện lần đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác từ sau thế chiến thứ II, sau đó được lan rộng ra các lĩnh vực khác như âm nhạc, kiến trúc, và thiết kế. Điểm quan trọng trong chủ nghĩa tối giản chính là sự đơn giản trong cách thể hiện, tiết tấu, ngôn từ, thiết kế, nhưng vẫn toát ra được điều mà nghệ sĩ muốn thể hiện, đồng thời vẫn mang tính nghệ thuật cao.

Trong thời đại này, nhắc tới chủ nghĩa tối giản, người ta không chỉ nghĩ về các lĩnh vực nghệ thuật nữa, mà bắt đầu chuyển hướng xem xét nó như một phong cách sống. Và trong bài học hôm nay, tớ cũng sẽ chỉ tập trung xoay quanh phong cách sống tối giản này.

Phong cách sống theo chủ nghĩa tối giản xuất phát từ Nhật Bản, khi người Nhật chỉ sinh sống với những vật dụng đơn giản và cơ bản nhất. Phong cách tối giản này trở thành “cơn sốt” toàn thế giới khi những bài viết về phong cách sống tối giản cùng hiệu quả của nó được đăng tải và lan truyền trên mạng. Đồng thời, phong cách này càng được ưa chuộng khi tác giả Marie Kondo xuất bản quyển sách The Life-Changing Magic of Tidying Up và nó đã trở thành best-seller trong năm vừa qua. Tớ đã đọc qua và áp dụng một số lời khuyên mà cô đưa ra, và cảm nhận của tớ thì thật sự cũng đã có một số xoay chuyển trong việc dọn dẹp cũng như sỡ hữu đồ đạc của tớ.

Điểm mấu chốt trong chủ nghĩa tối giản không phải là bài bỏ ý niệm sở hữu vật chất cũng như lợi ích của việc có đầy đủ tiện ích đối với con người như thế nào. Trên tất cả, chủ nghĩa tối giản tập trung vào giá trị của những vật dụng cơ bản, và cần thiết nhất, và cho phép chúng ta nhìn nhận sự “cần thiết” của vật chất một cách đúng đắn hơn, khách quan hơn.

Vậy theo đuổi chủ nghĩa tối giản sẽ mang lại cho chúng ta lợi ích gì? Theo nghiên cứu cũng như trải nghiệm của những người theo đuổi cách sống này, chủ nghĩa tối giản mang lại cho họ cảm giác không bị phụ thuộc vào vật chất, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc cho những điều quan trọng hơn. Sống trong không gian thoáng đãng và gọn gàng mang lại hiệu ứng tâm lý tốt và ảnh hưởng tích cực lên tích cách và phản ứng tâm lý của con người. Đồng thời, chủ nghĩa tối giản nâng cao hiệu suất làm việc, khả năng sáng tạo và quá trình chúng ta thư giãn nghỉ ngơi.

Vậy làm thế nào để bắt đầu sống theo chủ nghĩa tối giản?

Điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là nhìn nhận lại mọi thứ, mọi khía cạnh, mọi việc xung quanh chúng ta. Liệu chúng ta có đang cảm thấy bị đè ngập bởi đồ đạc, công việc, áp lực? Liệu chúng ta có cảm thấy thoải mái khi ở nhà? Liệu chúng ta có thấy vui vẻ và nhẹ nhàng khi dọn dẹp mọi thứ không?

Việc hiểu rõ mình đang ở trong tình trạng nào là bước đầu tiên để xác định mình cần phải loại bỏ những gì, dọn dẹp lại những gì trong đời sống. Sau khi đã xác định được, thì chúng ta có thể bắt đầu thay đổi với những bước sau.

1. Dọn dẹp đồ đạc trong nhà, và tập trung làm trong một lần chứ đừng chia ra thành nhiều lần. Đồng thời khi dọn dẹp, chúng ta phải phân loại đồ đạc nào là thiết yếu, đồ nào không thiết yếu. Những đồ không thiết yếu thì cần phải được loại bỏ, đem quyên góp, hoặc tặng cho người khác. Bạn phải vượt qua được cảm xúc muốn giữ lại đồ, hay nỗi sợ phung phí trong giai đoạn này. Sự thật là giữ chúng lại bạn cũng sẽ không dùng đến chúng, cũng là một hình thức của sự lãng phí.

Chúng ta phải lưu ý là chúng ta sẽ dọn đồ theo loại, chứ đừng dọn theo địa điểm. Hãy lôi hết áo quần của bạn ra dọn một lần, từ phòng ngủ đến phòng tắm đến phòng khách. Rồi đến đồ dưỡng da, mỹ phẩm. Rồi đồ văn phòng phẩm. Dọn dẹp theo loại như vậy giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về việc bạn giữ cái gì và bỏ cái gì. Thường chúng ta chỉ nên giữa lại khoảng một phần ba những gì mà chúng ta đang sở hữu mà thôi.

2. Đừng cất những đồ bạn không dùng đi. Chúng ta hay có tâm lý cất lại để sau này dùng, nhưng thực tế chứng minh nếu bạn không sử dụng chúng thường xuyên ngay lúc này, khả năng cao là bạn sẽ không dùng lại chúng trong tương lai. Vì thế, như tớ đã viết ở trên, hãy đem quyên góp hoặc tặng cho người khác, đó là cách giải quyết tối ưu nhất.

3. Sau khi giải quyết về khía cạnh vật chất, hãy chuyển qua những khía cạnh khác về công việc, tinh thần, các mối quan hệ.
Đây là một bước rất cao của chủ nghĩa tối giản, chúng ta cần biết những điều gì là quan trọng trong công việc, học hành, mối quan hệ mà thật sự mang lại hiệu ứng tích cực, sự trưởng thành và một đời sống lành mạnh cho chúng ta. Dọn dẹp lịch làm việc, sắp xếp tài liệu trong máy tính, kiểm soát các mối quan hệ, thanh lọc các tài khoản mạng xã hội, loại bỏ những “người độc hại” ra khỏi cuộc đời là những cách mà chúng ta có thể “tối giản hoá” nhưng “lành mạnh hoá” đời sống của mình. Khi đó chúng ta không phải đau đầu, lo nghĩ về những thông tin sai lệch, sự phân tán tư tưởng, hay bị ảnh hưởng bởi những người tiêu cực nữa.

Xét cho cùng, theo đuổi chủ nghĩa tối giản là một sự lựa chọn có thể giải phóng chúng ta ra khỏi những quan niệm sai lầm được số đông theo đuổi trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng và nền kinh tế sức chú ý. Khi không bị ràng buộc bởi nhiều thứ, chúng ta mới có thể phát huy hết được tiềm năng và có cơ hội để học tập, xê dịch, và trải nghiệm. Và để đạt được thói quen này, sự quyết tâm và kiên trì ngày qua ngày chắc chắn là điều vô cùng cốt yếu mà chúng ta phải có được và không ngừng gìn giữ trong đời sống hằng ngày.

Hoại Băng

Nguồn tham khảo: wikipedia, theminimalists.comtheatlantic.comthepresentwriter.com, sách The Life-Changing Magic of Tidying Up và nhiều nguồn khác.
Ảnh: http://cdn-media-2.lifehack.org/

 

 

Advertisement

3 thoughts on “Chúng ta có nên theo đuổi chủ nghĩa tối giản?”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s