Identity Capital (hay còn gọi là vốn cá nhân, vốn định dạng cá nhân) là cụm từ xuất hiện trong trong quyển sách The Defining Decay của tác giả Meg Jay. Mình vừa đọc xong quyển sách ấy cách đây hơn một tuần, và thật sự mình rất thích nội dung của nó. Đặc biệt khi đọc đến phần viết về identiy capital, mình cũng suy nghĩ rất nhiều về việc tác giả nhấn mạnh rằng chúng ta nên đầu tư vào bản thân trong những năm tháng tuổi hai mươi, để từ đó xây dựng cho bản thân một nền móng đủ vững để có thể làm việc và sinh hoạt trong xã hội. Vốn cá nhân là những tài sản cá nhân bao gồm kiến thức, kỹ năng, phong thái, mối quan hệ, lẫn niềm tin mà mỗi người có thể tạo dựng và phản triển cho riêng mình. Việc đầu tư và làm giàu vốn cá nhân là điều vô cùng cần thiết để chúng ta cảm thấy tự tin, và trở thành con người mà chúng ta khao khát được trở thành.
Vậy thì cùng mình xem có những cách nào để đầu tư cho bản thân và xây dựng vốn cá nhân cho mình nhé.
- Xác định con người mà mình muốn trở thành.
Có người muốn trở thành nhà ngoại giao giỏi, có người thích kinh doanh thành công, có người muốn du lịch khắp nơi và viết về trải nghiệm của mình. Cho dù bạn muốn trở thành ai với ngành nghề gì đi chăng nữa, việc định hình mẫu người cùng những tính cách riêng mà bạn muốn trở thành là điều đầu tiên để xác định con đường kế tiếp. Việc định hình mẫu người này không phải là bó buộc bạn trở thành chính xác loại người đó, với những tiêu chí a, b, c. Thay vào đó, chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ về bản thân mình trong tương lai sẽ là một con người với những đức tính khả dĩ như thế nào: lịch sự, quảng giao, ấp áp, mạnh mẽ, năng động, chỉn chu, vvv… Việc suy nghĩ về tính cách mà bản thân tạo lập sẽ hướng hành động của bạn đến việc thiết lập tính cách đó. Ví dụ như việc rời khỏi vòng tròn an toàn sẽ giúp bạn phát triển tính dũng cảm, sáng tạo cũng như tự tin hơn. Làm việc cẩn thận dần dà sẽ giúp bạn trở nên chỉn chu và cầu toàn hơn. Bạn hãy nhớ là tính cách, phong thái hay cách mà chúng ta thể hiện bản thân cũng là vốn cá nhân của mỗi người.
2. Học thứ mình thích, học thứ mình thích, học nhiều hơn về thứ mình thích. (Điều quan trọng phải nhắc lại ba lần!)
Để đầu tư vào bản thân, học tập luôn luôn là điều tối quan trọng. Vậy thì chúng ta phải học gì đây? Mình nghĩ đầu tiên chúng ta cứ học những điều mà mình thích. Bởi khi đó mình đã có sẵn động lực học trong người, quá trình học sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn. Ngoài ra, học thật nhiều về lĩnh vực mình yêu thích sẽ khiến bản thân biết nhiều, thành thạo nhiều, và thậm chí có thể kiếm tiền, làm việc với lĩnh vực ấy. Khi đó, bạn sẽ có một vốn kiến thức và kỹ năng rất sâu về một lĩnh vực mà bạn có thể sử dụng nó làm nền tảng khi xin việc hoặc giới thiệu với người khác, cũng như làm nền tảng đến học thêm những lĩnh vực liên quan. Ví dụ, mình thích tâm lý học, nên mình học sâu vào tâm lý học bao gồm những nhánh khác như tâm lý học xã hội, tâm lý học bệnh chứng, tâm lý học phát triển… Rồi từ đó mình học qua khoa học thần kinh, khoa học ý thức, dinh dưỡng và xã hội học. Điều cốt yếu là chúng ta phải sở hữu một “vốn nền tảng” trong một lĩnh vực hoặc kỹ năng nào có. Nó có thể là ngành học hàn lâm, có thể là âm nhạc, có thể là hội hoạ thiết kế, vân vân mây mây. Mình cũng tin vốn nền tảng này trong nhiều trường hợp có thể làm cần câu cơm cho chúng ta đấy. :P
3. Đọc sách, đọc lượng và đọc chất.
Đọc sách là một trong những cách cơ bản nhất, dễ nhất để mở rộng kiến thức bản thân. Chắc hẳn ai cũng biết tầm quan trọng của việc đọc sách là như thế nào. Mình không muốn nói gì nhiều về vai trò của sách trong sự học, nhưng mình lại muốn nêu lên quan điểm của bản thân: là bạn cứ đọc sách, đọc chất cũng được, đọc lượng cũng tốt. Mình là một đứa đọc 50~100 quyển sách một năm, và mình hay vấp phải những “chỉ trích” như là đọc để lấy thành tích, đọc tạp, đọc lượng mà không đọc chất. Mình thì phải công nhận là mình “đọc tạp” thật, tại vì mình đọc đủ thể loại sách trên đời. Đối với mình, đọc sách không hề có bất cứ giới hạn nào cả, sự tin tưởng của mình là sách là vô bờ, và mình luôn học được ít nhất là một điều gì đó từ mỗi một quyển sách mà mình đã đi qua. Bởi thế, mình luôn khuyến khích mọi người cứ bắt đầu đọc theo cách mà mọi người cảm thấy phù hợp nhất, để từ đó có thể nâng cao phương pháp đọc sách của mình.
Tuy nhiên, mình cũng muốn nói là mặc dù mình “đọc tạp,” nhưng những quyển sách mà mình chọn đọc không hẳn là không dưới sự cân nhắc nào đó. Mình đã từng viết một bài làm thế nào để đọc sách nhiều và hiệu quả, mai mốt mình sẽ đăng lại cho mình người cùng xem. :D
4. Tin vào bộ não của mình.
Càng học nhiều, càng biết nhiều. Càng luyện nhiều, càng giỏi nhiều. Càng đầu tư nhiều, vốn liếng càng cao. Tất cả đều nhờ sự kỳ diệu của tính dẻo của não (brainplasticity). Vì thế, mình mong mọi người có thể tin vào bản thân, tin vào bộ não của mình luôn luôn có thể tạo điều kiện để chúng ta học nhiều và trở nên giỏi hơn.
5. Tranh thủ mọi lúc mọi nơi…
… để học, để luyện tập, để biết thêm điều gì đó. Xem phim tài liệu, đọc sách báo, xem TED Talk, xem Youtube, đọc các bài hay, trang hay trên Facebook, theo dõi những trang web giáo dục và có tính phổ cập kiến thức… Mình tin là chúng ta không chỉ học tập ở nhà trường, mà còn có thể học tập mọi lúc mọi nơi, nếu như chúng ta có thể thường xuyên bật chế độc “tò mò và học tập” trong con người mình.
6. Viết
Để mài dũa ngôn ngữ, cải thiện từ vựng, nâng cao khả năng thể hiện suy nghĩ, nâng cao khả năng suy nghĩ về những vấn đề phức tạp, để hiểu bản thân mình.
7. Networking
Mình nói thật, một đứa hướng nội, ngại giao tiếp như mình cực kỳ sợ networking, mở rộng quan hệ và ngoại giao với người khác. Nhưng mình không thể phủ nhận sự quan trọng của networking trong việc xây dựng vốn cá nhân của bản thân. Không những thế, networking thậm chí xây dựng cả vốn xã hội (social capital) cho chúng ta với những mối quan hệ mà networking mang lại. Mình đã không thể nào quen biết được rất, rất nhiều người giỏi nếu như mình không chịu khó và *cắn răng* giao tiếp và thực hiện networking. Networking sẽ mở rộng vòng tròn xã hội, và mang đến rất rất nhiều cơ hội cho bản thân, mà chính mình đã thực sự trải nghiệm những cơ hội bất ngờ ấy.
8. Làm gì đó mới, học gì đó mới, và không ngừng sáng tạo
Chẳng phải sẽ rất hay nếu như bạn làm nhân viên văn phòng và có thể diễn ảo thuật trong các hoạt động của công ty, hay làm đầu bếp và viết blog về những món ăn của mình, có thể ca hát vẽ vời trong câu lạc bộ sinh hoá của trường? Học những lĩnh vực mới, kỹ năng mới không chỉ khiến cuộc sống chúng ta trở nên thú vị hơn, mà còn có thể khéo léo sử dụng cả hai bán cầu não, nâng cao khả năng sáng tạo lẫn phân tích vấn đề của bản thân, giúp bạn giải quyết rất rất nhiều điều phức tạp trong cuộc sống này đấy.
9. Và xây dựng vốn cá nhân của mình trong những năm tháng tuổi hai mươi – khoảng thời gian định hướng cuộc đời này. Hoặc là ngay lập tức.
Từ lúc này, khi chúng ta (và bộ não) còn trẻ, khi chúng ta có nhiều sức sống, khi chúng ta ít nhất vẫn có nhiều thời gian hơn, việc đầu tư vào bản thân là thật sự cần thiết. Mình tin là điều mà mỗi một người chúng ta cần là bắt tay vào việc đầu tư này, từ bây giờ, từ những việc đơn giản, và nhỏ bé mà chúng ta làm hằng ngày. Để qua đó, vốn cá nhân của chúng ta sẽ được bồi đắp ngày qua ngày, trở nên vững chắc và phong phú hơn.
Đó là những điều mà mình học được, tìm hiểu được và rút ra được xoay quanh việc đầu tư vốn cá nhân, hi vọng mọi người sẽ tìm thấy những điều bổ ích từ bài viết này.
Thương.
Hoại Băng.
Coming soon: (Cho mình biết mọi người muốn mình đăng bài nào trước nhé? ^^)
Tính dẻo của não và quan niệm sai lầm về sức mạnh của chất xám.
Làm sao để đọc nhiều sách và hiệu quả hơn?
Não trái não phải? Cân bằng hai não có vai trò gì?
Những quan niệm sai lầm về chủ nghĩa tối giản.
Động lực có thật sự quan trọng vậy không?
[…] định con người bản thân mình muốn trở thành chính là chỉ dẫn cho chúng ta đầu tư cho bản thân, thì hệ thống niềm tin sẽ là nền tảng cho cả quá trình xây dựng thương […]
LikeLike