
Bài viết này được tổng hợp và chỉnh sửa từ một bài viết mình viết vào cuối năm 2016 trên Mạng xã hội học tập Ubrand. Cảm thấy có thể nó sẽ có ích cho một số bạn nên mình quyết định là sẽ chia sẻ thêm về vấn đề đọc sách.
Đầu tiên mình xin được chia sẻ về số lượng sách mà mình đọc mỗi thăm. Mỗi năm mình đọc được từ 50 đến 100 quyển sách. Năm 2016 mình hoàn tất hơn 70 quyển sách, và trong nửa năm đầu 2017 này thì khoảng 15 quyển, nhưng mình tập trung đọc sách về y học bằng tiếng Anh nên tốc độ đọc còn chậm. Thể loại sách mà mình đọc trải dài trên nhiều lĩnh vực bao gồm: tâm lý học, triết học, chính trị, kinh tế, khoa học, thiên văn học, văn học kinh điển và đương đại, thơ. Mình đọc cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Nói chung sách mình đọc khá đa dạng và ít bị hạn chế. Mình cũng có hoạt động trong một số forum và trang web về sách, tuy nhiên mình vẫn tập trung vào việc đọc sách hơn.
Hẳn sẽ có bạn nghĩ là đọc nhiều như vậy chưa chắc tốt, vì kiến thức có thể sẽ chẳng đọng lại bao nhiêu. Nhưng mình cũng xin chia sẻ là thói quen đọc sách của mình được gây dựng hơn sáu bảy năm rồi, nên mình tự tin vào khả năng nắm bắt thông tin và kiến thức trong sách, cũng như biết cách đọc sách và tìm sách đọc hiệu quả nhất.
A. Những cách nào giúp chúng ta xây dựng được thói quen đọc sách thường xuyên?
1. Lúc nào cũng mang sách theo mình. Sách giấy, sách điện tử. Bất cứ lúc nào chúng ta muốn, chúng ta cũng có thể đọc được sách.
2. Đọc ngay khi có thể. Trong lúc phải chờ đợi xe buýt, chờ đợi một cuộc hẹn, chờ đồ ăn được làm, vvv… Những lúc ấy thay vì lướt mạng, xem Facebook, mình luôn có thể lấy sách ra đọc. Mình luôn cố gắng tận dụng những khoảng thời gian chờ đợi đó để đọc sách. Tuy nhiên mình cũng lưu ý là những quyển sách có nội dung khó thì không nên đọc ngắt quãng như vậy.
3. Chọn một thời điểm cố định để đọc sách trong ngày, và thực hiện việc đọc đó hằng ngày. Với mình là nửa tiếng đến một tiếng trước khi đi ngủ. Việc đọc sách trước khi đi ngủ cũng khiến mình dễ rơi vào giấc ngủ, và có cảm giác thoải mái sau một ngày dài hơn. Có bạn có thể chọn là một tiếng sau khi thức dậy, sau khi ăn trưa, vv… Miễn sao bạn thấy thoải mái, và dễ dàng cho bạn.
4. Tìm bạn nói chuyện về sách, lấy cảm hứng từ trên mạng.
Một trong số những trang web hằng đầu về sách là Goodreads. Mình cũng đang hoạt động trên đó bằng việc review sách và quản lý thư viện sách. Các bạn nên tham gia Goodreads vì có thể tìm được đầu sách rất hay, quen được nhiều người cũng thích sách và am hiểu sách, đồng thời cũng dễ dàng cho việc cập nhận, theo dõi quá trình đọc sách của mình.
Tìm đọc những bài viết về lợi ích của việc đọc sách trên mạng. Có vô số bài viết như thế, mỗi ngày bạn tìm đọc một hai bài, như một cách để nhắc nhở mình phải đọc sách. :P
Nếu bạn có bạn thích đọc sách thì hãy mau mau nói chuyện với bạn ấy về loại sách các bạn thích, làm sao để đọc nhiều sách hơn…
5. Thường xuyên nhắc nhở bản thân là bạn PHẢI đọc sách, bạn YÊU việc đọc sách. Đây là một cách để tự ám thị bản thân rằng bạn thích sách, dần dà bạn sẽ thật sự yêu thích sách :P
6. Để hình thành thói quen đọc sách, bạn cũng cần có thời gian và nên kiên nhẫn. Đọc sách vừa là để thư giãn, nhưng cũng là để học. Và chúng ta phải thật sự nhìn nhận việc đọc sách một cách nghiêm túc và trịnh trọng nhất.
B. Làm thế nào để tìm được sách hay?
1. Đọc review sách. Đối với các bạn đã có sẵn trong mình những cái tên sách, thì bạn có thể tìm review trên mạng để xem thử quyển ấy có đáng đọc không. Với mình, không nơi đâu review sách tuyệt vời bằng Goodreads. Đồng thời, facebook page “Mọt sách’s Confession” cũng là nơi bạn có thể tìm kiếm review sách hay.
Bạn lưu ý là review sách có thể đi kèm với spoil sách. Bản thân mình thường không đọc review nhiều vì mình thích khám phá, nhưng với những bạn không có nhiều thời gian để đọc thì việc chọn lọc sách có lẽ cũng rất cần thiết.
2. Chọn nhà xuất bản.
Mình cực kỳ đề cử nhà xuất bản Trí Thức cho thể loại sách học thuật. Trang web sachkhaitam.com cũng là một trang web uy tín cho việc mua sách.
Những bạn nào yêu thích sách văn học có thể tìm đến Tao Đàn. Mình CỰC KỲ đánh giá cao những đầu sách của Tao Đàn. Sách rất hay, rất nhân văn, và đậm tính văn chương.
Ngoài ra Nhã Nam cũng có những đầu sách văn học và xã hội hay, nhưng cũng có những quyển không được đánh giá cao lắm vì hơi mang tính “thị trường.” Nhà xuất bản Văn học cũng vậy.
Alphabook thì có những đầu sách kỹ năng khá đa dạng, nhưng phần dịch thuật của họ lại không tốt. Sách kỹ năng thì mình hay đọc của TGM.
Nhà xuất bản Trẻ cũng có nhiều tựa sách hay, đặc biệt là sách về khoa học, kinh tế, xã hội. Văn học trong nước cũng là điểm sáng của nxb này. Ngoài ra, bộ sách “Cánh cửa mở rộng” của nxb Trẻ CỰC KỲ hay.
Còn những nhà xuất bản nhỏ khác thì mình không đánh giá cao lắm, nhưng tất nhiên vẫn luôn có những “ngoại lệ” rồi. :P
4. Chọn chủ đề, lĩnh vực, chọn những quyển sách thuộc “TOP” của chủ đề, lĩnh vực đó.
Mình thích đọc sách theo chủ đề, và luôn tìm những quyển sách kinh điển, hay nhất trong những chủ đề, lĩnh vực đó. Ví dụ như lĩnh vực tâm lý, bạn luôn có thể tìm kiếm 10 quyển sách hay nhất về tâm lý học (10 best psychology books of all time) trên mạng, từ đó bạn có được những sự lựa chọn tốt hơn cho mình.
5. Chọn tác giả.
Tâm lý kinh điển mình đọc Freud và Jung, Thiên văn học mình đọc Carl Sagan, Stephen Hawking và bác Trịnh Xuân Thuận, Triết học mình đọc của thầy Bùi Văn Nam Sơn, Micheal Sandels, Thomas Nagel (và nhiên là cùng với những triết gia nổi tiếng trong lịch sử khác). Văn học đương đại mình đọc Haruki Murakami, Paulo Coelho, Alice Munro, vv… Văn học trong nước mình đọc sách cô Tư, bác Ánh, bác Nguyễn Bỉnh Phương. Tản văn và ghi chép mình đọc của chị Nguyễn Phương Mai, thầy Cao Huy Thuần. Mình còn đọc sách của cụ Lê Giang Nguyễn Duy Cần, thầy Giản Tư Trung. Đặc biệt là sách của thầy Thích Nhất Hạnh nữa.
Việc biết rõ những tác giả nào là nên đọc có thể tiết kiệm chúng ta rất nhiều thời gian và công sức lựa chọn sách, vì những tác gia ấy đã có vị thế nhất định trong ngành sách, nên chúng ta có thể tin tưởng được.
6 .Sách KINH ĐIỂN, sách KINH ĐIỂN.
Những quyển sách trường tồn với thời gian nên là lựa chọn hàng đầu của chúng ta đó.
7. Biết đâu là những quyển sách KHÔNG NÊN ĐỌC.
Ngôn tình thị trường (mình rất rất ủng hộ việc đọc ngôn tình chính thống và kinh điển), tản văn do những tác giả trẻ viết mà mang tính chất bi luỵ, bi quan về cuộc sống và tình người. Mình có quan điểm là những quyển sách mang lại cảm giác bi quan, mà không gây dựng lên những bài học có ý nghĩa trong lòng người đọc thì không nên được ưu tiên khi đọc. Đôi khi chúng ta có thể đọc một chút để hiểu thêm về những khía cạnh khác được các tác giả đó thể hiện, nhưng thường thì mình không nghĩ chúng ta nên bỏ thời gian để đọc chúng.
8. Book Hunter, Read Station (Trạm đọc), Tinh thần khai minh, Bookaholic, Goodreads luôn là những trang web có những bài giới thiệu sách hay và sách đáng đọc. Các bạn có thể tìm các blog review sách trên mạng để đọc.
Điều cuối cùng mà mình muốn chia sẻ là mình cũng rất cởi mở với sách. Sách với mình đến đi cũng là duyên vậy, lúc nào mình cũng hi vọng sẽ học được điều gì đó từ một quyển sách bất kỳ. Đọc sách là một quá trình mà mình khám phá thế giới, khám phá bản thân. Nên mình cũng chưa bao giờ muốn có bất cứ điều gì giới hạn mình khỏi việc đọc sách. Hi vọng mọi người cũng có thể hiểu được cảm giác đó, cảm giác như sách là một thế giới bao la, đôi khi khiến mình hoang mang nhưng cuối cùng vẫn luôn có vô vàn con đường tươi đẹp để mình dấn bước. Quan trọng là mình đủ sẵn sàng để bắt đầu hành trình mà thôi.
Có lẽ một thời gian sau nữa mình sẽ viết một bài để làm sao có thể đọc sách “nhanh,” “nhiều” và vẫn “thấm,” vẫn “hiểu.” Bây giờ chỉ hi vọng bài viết này sẽ có ích cho tất cả những ai quan tâm đến sách.
Thân mến,
Hoại Băng.