Từng chặng nhỏ tạo dựng thương hiệu cá nhân – Chặng 1

Chặng 1: Thiết lập hệ thống niềm tin

Mình không biết các bạn đã bao giờ nghe đến cụm từ “thương hiệu cá nhân” chưa? Lần đầu tiên mình biết đến khai niệm này là khi mình bắt đầu tham gia Ubrand (hệ thống học tập và xây dựng thương hiệu cá nhân online của công ty giáo dục TGM). Thông qua Ubrand, mình bắt đầu có thêm một số ý niệm về thương hiệu cá nhân và làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân mình. Hôm nay mình xin được giới thiệu với mọi người series “Từng chặng nhỏ tạo dựng thương hiệu cá nhân” do mình biên soạn, với mục đích mang đến cho mọi người, lẫn bản thân mình nhiền kiến thức và phương pháp hơn về việc tạo dựng thương hiệu cá nhân thông qua từng bước nhỏ. Mình hi vọng với việc tập trung vào từng bước, hiểu sâu về mỗi bước sẽ giúp chúng ta xây dưng được thương hiệu cá nhân một cách bền vững và có hiệu quả hơn.

Thương hiệu cá nhân là gì?

Nói một cách ngắn gọn, thương hiệu cá nhân của bạn chính là những điểm mà người khác nghĩ ngay đến bạn mỗi khi bạn được nhắc tới, mà những điểm ấy thường là điểm mạnh, liên quan công việc hoặc đời sống cá nhân. Đồng thời, thương hiệu của bạn cũng điểm xuất phát để người khác tìm đến bạn khi họ cần nhân lực cho một việc gì đó. 

Ví dụ: Trong gia đình, nếu bạn là người giỏi mỹ thuật, người thân của bạn sẽ nhớ ngay đến bạn khi họ gặp phải vấn đề liên quan đến mỹ thuật hoặc hội hoạ. Hoặc khi nhắc đến tác giả Việt viết truyện cho thiếu nhi nổi tiếng, đa phần công chúng sẽ nhớ ngay đến bác Nguyễn Nhật Ánh.

Ví dụ mà mình đưa ra cũng là thể hiện một quan niệm của mình, là dù bạn là một người bình thường, hay là người nổi tiếng thì đều có và có thể xây dựng thương hiệu cá nhân riêng của mình. Thương hiệu cá nhân cũng không hề chỉ dành riêng cho người của công chúng, của những người hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Bởi vì mình tin rằng bất cứ ai đều nên và cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình, không chỉ vì mục đích dễ kiếm được việc (hoặc trôi chảy sự nghiệp hơn) mà đây còn là một quá trình khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân.

Chặng đầu tiên: Thiết lập hệ thống niềm tin 

Hệ thống niềm tin chính là hệ thống được xây dựng nên từ những niềm tin của chính bản thân mỗi người, có thể mang tính hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Những niềm tin này có thể đến từ nhiều khía cạnh cuộc sống như gia đình, các mối quan hệ, vấn đề xã hội, công việc, và sức khoẻ.

Ví dụ: Hệ thống niềm tin của mình bao gồm một số niềm tin như:

  • Gia đình là điều quan trọng nhất với mình.
  • Trời mưa là thời tiết đẹp nhất để mình làm việc.
  • Feminism vẫn cần phải được đấu tranh ở Việt Nam.
  • Chủ nghĩa tối giản mang lại rất nhiều ý nghĩa to lớn với mình.
  • Mình có năng khiếu viết lách từ bé.

Đó là một số niềm tin của chính mình, và tập hợp những niềm tin đó sẽ tạo nên hệ thống niềm tin, và đó sẽ là cơ sở cho những suy nghĩ, hành động, cách phản ứng của mình đối với những chuyện xảy ra ngoại tại và nội tại. Khi đã xác lập được hệ thống niềm tin, chúng ta sẽ hiểu thêm rất nhiều về chính bản thân, và những điều mà chúng ta làm sẽ rất nhất quán với nhau.

Thiết lập hệ thống niềm tin và xây dựng thương hiệu cá nhân. 

Thiết lập hệ thống niềm tin là cơ sở ban đầu để chúng ta bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Khi bạn xác định được các niềm tin của mình, chúng ta sẽ hiểu được về bản thân, biết mình tin gì, muốn gì, cần gì, giỏi gì, không giỏi gì, vân vân. Tất cả những điều đó sẽ góp phần định hình con đường phát triển của mỗi một cá nhân. Tương tự với việc xác định con người bản thân mình muốn trở thành chính là chỉ dẫn cho chúng ta đầu tư cho bản thân, thì hệ thống niềm tin sẽ là nền tảng cho cả quá trình xây dựng thương hiệu cho mình.

Trong series này mình sẽ tập trung phần lớn về việc phát triển thương hiệu cá nhân trong học tập, đời sống công việc và hoạt động xã hội là chủ yếu, nên ở chặng xác lập hệ thống niệm tin, mình cũng sẽ chú trong trong việc gợi ý mọi người xác lập niềm tin liên quan đến công việc và các hoạt động xã hội.

Ở những bước này, các bạn có thể ghi ra câu trả lời cho những câu hỏi, và phát triển thêm những suy nghĩ của riêng mình từ những câu hỏi gợi ý của mình. Các bạn nhớ, đây là việc xác lập niềm tin nên các bạn phải thật sự tin tưởng (hoặc bắt đầu tin) vào điều mà các bạn trả lời.

  1. Mình giỏi việc gì? 
  • Đâu là việc mình thích làm nhất?
  • Việc mình chưa làm tốt là gì?
  • Mình quan tâm đến điều gì?
  • Mình thích kinh doanh/thiết kế/chụp ảnh/học tập/sữa chữa… hay làm việc gì?
  • Đâu là nghề mình muốn kiếm thu nhập?
  • Đạo đức về nghề của mình như thế nào? Mình sẽ làm cốt yếu vì doanh thu hay làm vì phục vụ khách hàng?
  • Trong tương lai, những ngành phát triển nào mà mình có thể theo đuổi được?
  • Mình muốn cống hiến điều gì thông qua công việc của mình?

2. Quan điểm về các hoạt động, vấn đề xã hội của mình ra sao? 

  • Mình có quan tâm đến việc bảo vệ môi trường?
  • Mình nghĩ gì về các phong trào đấu tranh bình đẳng (giới, xu hướng tính dục, chủng tộc, và động vật)?
  • Mình có muốn góp sức của mình vào các hoạt động vì xã hội không?
  • Lý tưởng xã hội của mình là gì?
  • Mình có quan tâm đến những vấn nạn hiện thời không?
  • Điều gì làm mình cảm thấy bản thân là người có ích cho cộng đồng?

3. Mình có thể làm gì để phát triển bản thân?

  • Mình có thể đọc một quyển sách một tháng không? Như thế nào?
  • Mình có thể học cái này/cái kia không? Như thế nào?
  • Mình có thể quen người này/người kia không? Như thế nào?
  • Mình có dám vượt qua vòng tròn an toàn của mình không? Như thế nào?
  • Mình có thể làm điều gì giúp phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình?
  • Tính tự kỷ luật của mình đang ở mức độ nào? Làm sao để nâng cao?
  • Mình có phải là người hay trì hoãn? Làm sao để thay đổi?
  • Mình có thật sự quan trọng công việc như vậy?
  • Mình có muốn bớt ham chơi và chú trọng hơn cho học hành/công việc không? Và làm sao để thay đổi?

Những câu hỏi trên chính là những lời gợi ý để chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình, để biết mình muốn gì, điểm mạnh điểm yếu, và quan điểm của mình về bản thân cũng như xã hội ra sao. Khi đã xác định được câu trả lời cho những câu hỏi trên (và những câu tương tự), chúng ta sẽ bắt đầu hiểu thêm về bản thân, đồng thời định hình được con người ở điểm khởi đầu này là ai, mong muốn gì và có thể làm được gì trong chặng đường sắp tới.

Có lẽ, việc thiết lập hệ thống niềm tin này chính là thời điểm để chúng ta biết mình, hiểu mình, và tin ở chính mình mình. Từ đó, chúng ta sẽ không còn thấy hoang mang về mọi chuyện, cũng như củng cố niềm tin rằng bản thân chúng ta hoàn toàn có thể phát triển, và trở nên tài giỏi hơn trong lĩnh vực của chính mình.

Chúc các bạn sớm thiết lập được hệ thống niềm tin của riêng bản thân mình!

Hoại Băng.

2 thoughts on “Từng chặng nhỏ tạo dựng thương hiệu cá nhân – Chặng 1”

Leave a comment