Tâm Sự Của Người Trữ Sách

So với việc gọi mình là người đọc sách (a reader), thì tôi nghĩ bản thân mình với hợp cái tên người trữ sách (a book collector) hơn. Tôi không biết vì sao, điều này không hẳn vì tôi không đọc sách. Tôi còn đọc được kha khá là đằng khác, nhưng chắc cái thói quen trữ sách của tôi khiến tôi nghĩ mình nên đi cùng cái công việc trữ sách hơn là đọc sách ấy. Ngoài ra, tôi cũng không hề nghĩ rằng có điều gì là cao cả hoặc vĩ đại hơn giữa hai từ “người đọc” và “người trữ sách” cả. Đều là tên gọi mà thôi, mà bản chất tên gọi thì mông lung lắm.

Việc trữ sách của tôi, có lẽ xuất phát từ nỗi sợ mơ hồ đâu đó trong con người. Tôi sợ mình sẽ bỏ lỡ một quyển sách nào đó, tôi sợ mình lại quên đi một cái tựa hoặc một tác gia, tôi sợ đến một lúc nào đó tôi không còn băn khoăn tiếp theo mình phải đọc gì, tôi sợ cái cảm giác mình chưa có đủ một lượng sách trong tay, để một ngày đẹp trời tôi có thể chết chìm vào chúng. Những nỗi sợ này nghe có vẻ kỳ dị, hoặc nhảm nhí, thậm chí cũng chẳng đủ “sound” để hình thành nên lý do của một người trữ sách thực thụ. Tôi nghĩ người trữ sách thực thụ ắt phải là người có đam mê với sách ghê gớm lắm, và người ấy hẳn có thể phân biệt được giấy bóng và giấy satin, hoặc chỉ cần ngửi mùi sách thôi cũng đã biết được bộ Ba chàng lính ngự lâm kia được in vào cuối thập niên 80 hay là cái bộ mới coong đầu thế kỷ 21. Ắt hẳn phải tinh tường như thế, nhỉ.

Bố mẹ hay bảo tôi trữ sách lắm thế mà làm gì, biết có đọc được hết không. Tôi thì không cho nó là vấn đề quan trọng lắm. Trữ là trữ, mà đọc là đọc. Tôi có thể đọc cả ngàn quyển sách mà chẳng trữ lấy quyển nào (vì toàn đi mượn, à há), và tôi cũng có thể trữ cả ngàn quyển sách dẫu chẳng có ý định đọc chúng lần nào (tôi vẫn đi mượn để đọc đấy, tôi không đọc sách TÔI TRỮ đâu). Nôm na là thế, ít nhất cũng tách bạch được các hoạt động đó ra rồi.

Tôi thấy được rất nhiều bạn có thói quen chăm chút sách của mình rất kỹ lưỡng. Điều này gợi cho tôi nhớ đến việc tôi lập danh sách thống kê tủ sách của mình, mỗi lần mua quyển nào hay cho mượn quyển nào tôi đều ghi chép rất kỹ. Thỉnh thoảng khi về nhà thì tôi lại lôi sách ra để lau qua một lượt, chăm hơn nữa thì đi mua bìa cứng về bao, nhưng hầu hết thời gian tôi vẫn lười bao lắm. Cái tội lỗi của một người trữ sách, đó là xót xa khi nhìn thấy những quyển sách được cầm đọc một-cách-cực-kỳ-tàn-nhẫn như giở sách quá 45 độ, gấp mép sách, làm ướt sách (nhân tiện người trữ sách khắt khe không hề mắc chứng OCD, nhưng một tên OCD rất có thể là một tên trữ sách đáng gờm). Vậy nên, khi nhìn thấy nhiều bạn nói chuyện với nhau về việc các bạn ấy đau lòng làm sao khi nhìn thấy kẻ khác đang “ngược đãi” sách của mình. Tôi cũng đồng cảm lắm, rõ ràng là dân trữ sách với nhau rồi.

Đừng nhắc đến việc làm mất sách, tôi tin rằng đó là tận thế ngắn ngủn cho một người trữ sách.

Trữ sách không phải là khoe với thiên hạ rằng chúng tôi đọc nhiều sách. Vì tôi đã nói rồi mà, trữ sách đâu có nghĩa là sẽ đọc đống sách đó đâu. Mà thậm chí cũng chẳng có mấy ai được bước vào phòng riêng để nhìn thấy cái gia tài sách đồ sộ của chúng tôi nữa chứ. Có lẽ, trữ sách để làm dịu đi nỗi sợ không bao giờ là đủ sách, là để thoả mãn cái tâm lý khát khao được ôm sách mà lau chùi, hoặc đơn giản cũng là để đút no cho con mắt bằng hình ảnh những kệ sách lấp kín bởi bao cái bìa cứng bìa mềm, cao cao thấp thấp. Tin tôi đi, cảm giác nhìn kệ sách của mình sau đi được sắp xếp lại nó hạnh phúc như thể vừa sinh đứa con đầu lòng và phát hiện đứa bé ấy là thiên thần đẹp nhất trần gian vậy. Thiêng liêng và phấn khởi lắm.

Gói gọn lại, trong khi một đại bộ phận rất lớn con người đang tự hào với cái tên “người đọc” của mình, tôi, và có thể là một vài đứa khác nữa, vẫn đang ôm ấp cái hi vọng trở thành người trữ sách thực thụ. Vẫn đang cố gắng làm đầy những chiếc tủ mà chúng tôi gọi là nơi chứa đựng kho báu. Vẫn đang hi vọng một ngày có thể lau sách đến hụt hơi, chỉ muốn nằm lẳng ra sàn nhìn sách mà cười mỉm. Mùi gỗ thoang thoảng xuất phát từ kệ và giấy, trộn lẫn với nhau tạo nên mùi hương tươi mát ngọt lành. Và chỉ cần một làn gió thổi qua, để lộ màu vàng nhạt của giấy, là sẽ biết được quyển ấy được in vào năm hai-nghìn-lẻ-tư chứ không phải là màu vàng đậm của những quyển một-chín-tám-tư xa lơ xa lắc.

Hoại Băng

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s