Chào mọi người, ngày chủ nhật vừa qua mình đã có dịp về trường cấp ba cũ của mình là trường THPT Chuyên Quốc Học Huế để nói chuyện với các em lớp 10 trong ngày Định hướng cho các em. Nhận thấy các câu hỏi được đặt ra cho mình cũng rất thú vị nên mình viết một bài Q&A để chia sẻ với các bạn mình đã trò chuyện những gì trong ngày Định hướng ấy nhé.
Note: Bài viết này được bổ sung thêm một số ý mà mình đã không có cơ hội đề cập trong ngày định hướng, nhằm mục đích cung cấp thêm nhiều thông tin và suy nghĩ của mình cho mỗi một câu hỏi hơn.

- Chị Băng năm 15 tuổi là ai?
Năm 15 chị là một người khá kỳ quặc. Các bạn trong lớp lúc ban đầu có vẻ hơi “sợ” chị vì hồi đó nhìn chị lớn và “dữ dằn” lắm, haha. Nhưng tính chị vốn dĩ rất hiền, nhưng có phần thẳng tính và rất bộc trực. Hồi đó trước khi bước chân vào Quốc Học thì chị không đặt nặng chuyện học hành lắm đâu. Chị thích chơi, và làm việc này việc kia hơn là học. Tuy nhiên, chị cũng không nhớ bắt đầu từ lúc nào chị có cảm giác yêu thích việc học, đặc biệt là chị thích học đều tất cả các môn từ Văn đến Anh đến Sinh đến Hoá. Cho nên chị dành nhiều thời gian để học, nhưng vẫn tham gia tất tần tật hoạt động của trường và lớp. Hầu như chương trình nào cũng có mặt của chị cả. Có lẽ hồi đó chị cũng năng động phết. Mà hồi đó trông chị quậy lắm, nhìn chẳng có gì giống học sinh ngoan ngoãn nghiêm túc đâu. *cười*
2. Chị hãy tổng kết lại những cái “nhất” của chị với trường hồi ấy đi, như: Thầy cô/tiết học thích nhất? – Góc đẹp nhất của trường? – Thời điểm đáng mong chờ nhất trong năm?
Nếu nói về giáo viên mà chị thích nhất thì chắc chắn là cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên Văn của chị rồi. Cô đáng yêu lắm các bạn ạ. Cô cũng là người cho chị thoả sức sáng tạo khi làm văn. Cô lúc nào cũng trân trọng sự phá cách của học sinh. Với chị, cô là cô, mà cũng là bạn vậy. Chị có chuyện gì cũng hay tâm sự với cô, đến tận bây giờ khi chị có chuyện gì trong cuộc sống chị vẫn tâm sự với cô nghe khi chị có cơ hội. Cô cũng hay khen chị với thầy cô giáo lẫn các đàn em khác nên chị thích lắm. haha
Ngoài ra thì chị thích thời gian ở Windteam của chị. Đó là lúc chị cũng quen được nhiều bạn hơn, được… đi chơi nhiều hơn, mặc dù thời gian chơi bóng rổ thì không được bao nhiêu. *cười* Cho nên các bạn nào thích bóng rổ, thích kết bạn và đặc biệt là muốn được gặp các anh chị F1, F2, F3 vô cùng cute đáng yêu thì nhớ tham gia Windteam nha.
Chị còn vô cùng yêu thích những lúc đi ăn với bạn bè ở canteen như giờ ra chơi, giờ… chào cờ, tiết 5 được nghỉ học. Tất cả đều tạo nên những kỷ niệm vô cùng đáng yêu dưới trường QH đấy.
3. Bây giờ có 2 chiếc cốc đầy, một cốc là Học và một cốc là Chơi. Nếu thời cấp III của chị là hai chiếc cốc thủy tinh này, chị đã đổ bao nhiên phần “học” và phần “chơi” vào đó? Chị có nghĩ tỉ lệ này là hoàn hảo? Chị có thể phân tích công thức của mình không?
Nói thật với các em, cả hai chiếc cốc của chị đều là cốc đầy. Không phải chị là siêu nhân gì đâu, mà là chị rất nghiêm túc với những gì mà chị làm. Lúc chị học chị sẽ học đàng hoàng, lúc chị tham gia hoạt động, chị sẽ hết mình với nó. Vì thế lời khuyên của chị không phải là các em nên đổ bao nhiêu cốc này bao nhiêu cốc kia, vì mỗi người đều khác nhau, mà là các em nên hiểu được các em muốn làm gì và thật sự nghiêm túc với lựa chọn của mình. Chị không muốn các em phải tham gia hoạt động chỉ vì nghĩ là cuộc sống cấp ba nên tham gia việc gì đó, hay chỉ tập trung học mà bỏ qua những việc mà các em sẽ hạnh phúc khi được tham gia. Cho nên các em phải tự hỏi bản thân là điều gì sẽ khiến các em cảm thấy vui, cảm thấy là chính mình, mà khi làm điều đó các em sẽ không phải hối tiếc sau này. Chị vẫn nghĩ là các bạn hoàn toàn có thể có đủ thời gian để vừa học vừa chơi nếu như các em nghiêm túc với cả việc học lẫn chơi ấy. Mà “chơi” ở đây chị nói có nghĩa là tham gia hoạt động, đi chơi đâu đó với bè bạn chứ không phải là việc phí thời gian cho những hoạt động vô bổ nhé. Và chị cho đến khi chị học đại học, chị vẫn có thể nằm trong Dean list của trường, làm các dự án xã hội, đi làm thêm, học cái này cái kia. Sắp xếp thời gian hợp lý và nghiêm túc trong công việc của mình sẽ giúp các em có thể làm được nhiều thứ hơn là việc học đấy.
- Ở một môi trường như Quốc Học, phải làm thế nào để vừa có thể có điểm số rực rỡ mà không bị xem là một con “mọt” chỉ biết cắm đầu vào học, vừa có thể hoạt động tưng bừng mà không bị xao nhãng?
Câu trả lời cho câu hỏi này của chị cũng giống như câu trên: sắp xếp thời gian hợp lý, nghiêm túc trong mọi việc, biết mình thích gì và muốn làm gì sẽ giúp các em SLAY mọi thứ đó. Haha.
5. Vào QH đồng nghĩa với việc mỗi chúng ta đây đều có một mũi nhọn là môn chuyên của mình. Tuy nhiên, việc học đều vẫn rất cần thiết. Chị nghĩ chúng em nên là một cây bút chì đầu nhọn dễ gãy, hay là một cây bùi chì mũi bằng an toàn, để sống sót trong MT trường chuyên của QH?
Rõ ràng trong môi trường QH, các em nên (và phải) học tốt môn chuyên của mình, vì đó là lợi thế, là một sự ràng buộc sẵn có trong các em, dù đó là sự ràng buộc vì niềm yêu thích, điểm mạnh, hay chỉ là môn mà các em phải tập trung nhiều nhất. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của chị, các em đừng bao giờ chỉ tập trung một môn học mà lơ là các môn khác. Nếu các em có thể học đều tất cả các môn, đó sẽ là lợi thế cho các em. Vì sao chị lại nói như vậy? Thật sự có rất nhiều lý do chứng minh chuyện này là có ích. Thứ nhất, khi các em học tốt nhiều môn, đó sẽ là nền tảng cho các em khi các em học lên đại học. Nếu như các em có đi du học (như chị) thì chính kiến thức toán lý hoá sinh anh sẽ là chìa khoá để các em có thể nâng cao GPA cũng như tiết kiệm thời gian học của mình. Lấy ví dụ vì kiến thức toán của chị vững, chị có thể thi thẳng vào lớp Toán Calulus của trường mà không cần phải học các lớp dưới, hay vì kiến thức vật Lý của chị tốt nên chị có để đạt 4.0 cho toàn bộ các lớp vật lý và thiên văn của chị hồi còn học đại học. Thứ hai, việc khám phá những môn học khác nhau giúp các em nhận biết là ngoài môn chuyên của mình, các em còn có tiềm năng phát triển những khía cạnh nào khác nữa. Ví dụ như chị học chuyên Văn, nhưng các môn khoa học tự nhiên là lại một trong những lĩnh vực mà chị yêu thích. Thế cho nên việc tìm hiểu và “thử thách” ở các môn học khác cũng là cách để các em hiểu về khả năng của mình hơn. Hơn nữa, việc học đều ở tất cả các môn là một quá trình rèn luyện não bộ vô cùng có ích cho các em. Các em sẽ được phát triển rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tư duy và phân tích, tưởng tượng vấn đề nhờ việc phát triển trên nhiều mặt trận. Cuối cùng thì, với một điểm tổng kết hơn chin phẩy, chắc hẳn chúng ta cũng thấy vui vui nhỉ. ;)
- Môi trường mới đồng nghĩa với nhiều thay đổi. Rất nhiều người trong chúng em vẫn đang còn hoang mang, chật vật trong việc xây dựng các mối quan hệ mới, nhưng vẫn có thể giữ được các mối quan hệ cũ . Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua cú sốc tâm lí này và sớm hòa nhập vào môi trường cấp III ?
Đầu tiên, mọi người đừng nghĩ là khi vào cấp ba thì các bạn sẽ phải gặp một “cú sốc tâm lý” hay những gì tương tự. Chị không muốn trong tâm trí các em hình thành quan niệm đó là mình sẽ gặp phải khó khăn trong việc xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ khi chuyển cấp. Thay vào đó, chị nghĩ các êm nên cởi mở hơn với suy nghĩ là các em sẽ có những mối quan hệ mới, mở rộng vòng tròn của mình, và QH là một môi trường rất tốt để các em phát triển tình bạn. Hơn hết, các em có thể hiểu một điều đó là, chúng ta rồi sẽ thay đổi, các mối quan hệ cũng vậy. Thay vì lo lắng chuyện được mất trong các mối quan hệ, hãy thử cố gắng gìn giữ, cố gắng dựng xây. Và để mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên và êm đẹp.
Đối với một số bạn có tính cách hướng nội và không thích giao tiếp nhiều với người khác có lẽ sẽ khó khăn hơn một chút với các em trong việc kết nối quan hệ. Lời khuyên của chị vẫn là hãy để mọi thứ xảy ra tự nhiên và các em vẫn nên sống đúng với tính cách của mình, đừng bó buộc bản thân vào những điều mà các em không thích. Tuy nhiên chị vẫn khuyến khích các bạn hướng nội tham gia câu lạc bộ nào đó, để em được phát triển sở thích, có thêm một hai người bạn mới ngoài bạn bè trong lớp. Hướng nội không có nghĩa là các em không thể kết bạn và làm các công việc xã giao, và hãy nhớ cho bản thân mình có thời gian một mình để “sạc” lại năng lượng và cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Bạn thân của chị đều đã chơi với chị mười, mười lăm năm, dù học khác trường lẫn khác quốc gia. Cho nên mọi người đừng lo lắng quá về chuyện bạn bè nhé. Cứ sống và đối xử chân thành với người khác, thì các mối quan hệ của các em sẽ rất tuyệt vời đấy.
7. Có người từng gọi chị là một freelancer – một người làm việc tự do không ràng buộc. Còn chị, chị sẽ tự định nghĩa mình như thế nào?
Đúng là freelancer là người làm việc không bị ràng buộc về mặt thời gian và địa điểm như những người đi làm công sở từ sáng đến chiều. Tuy nhiên với chị, việc làm tự do này vẫn có rất nhiều ràng buộc, hầu hết là sự ràng buộc đến từ việc phải có trách nhiệm với bản thân mình. Là một người sáng tạo nội dung, chị phải không ngừng cập nhận thông tin bên ngoài (input) để xây dựng ý tưởng và xuất bản ý tưởng đó (output). Chị phải tự đặt deadline và chỉ tiêu cho bản thân phải hoàn thành việc gì việc gì trong thời gian nào. Hơn nữa, để được làm việc tự do và làm việc mình yêu thích, chị phải không ngừng học hỏi để phát triển bản thân. Một số kỹ năng mà chị phải học liên tục là viết và dịch nội dung, graphic design và video editing, online marketing và một số kỹ năng khác. Mà đó chỉ là phần học thêm cho ngành chính của chị mà thôi.
Tóm lại, nếu xét về khía cảnh công việc, thì mong ước của chị là trở thành một content creator, social influencer, author, mentor và còn có rất nhiều điều mà chị muốn làm nữa.
8. Bây giờ có phải là quá sớm để lớp 10 chúng em đặt ra mục tiêu tương lai của bản thân? Chúng em nên bắt đầu con đường đến với các mục tiêu ấy như thế nào?
Chị không nghĩ rằng bây giờ là quá sớm để các em đặt ra mục tiêu tương lai. Hay đúng hơn, đây nên là thời điểm mà các em bắt đầu quá trình khám phá bản thân mình. Các em nên bắt đầu đặt câu hỏi về việc các em là ai, các em muốn làm gì, thích làm gì, và có thể làm gì. Chị nghĩ rằng mục tiêu của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian, nhưng một có một số giá trị sẽ luôn được giữ vững, đặc biệt là những giá trị liên quan đến “cảm nhận bản thân” (sense of self). Thế cho nên chị muốn các em không phải đặt mục tiêu như là phải vào đại học A đại học B để ra trường làm việc C việc D, mà chị hi vọng các em có thể bắt đầu định hình về con người mình: các em giữ giá trị bản thân gì, các em có điểm mạnh điểm yếu nào, các em thấy phấn khích khi tưởng tượng mình làm công việc gì trong cả cuộc đời các em? Từ đó, các em bắt đầu quá trình khám phá chính mình và cả thế giới, để xem thử các em hợp với việc gì và lĩnh vực gì. Điều này rất quan trọng nên chị mong các em sẽ nghiêm túc trong chuyện này. Chị đang làm việc tư vấn, nên chị biết rất nhiều bạn ở ngưỡng cửa lớp 12 và đại học thường hoang mang không biết mình là ai, mình giỏi gì, và mình muốn gì. Khi đó sẽ rất khó khăn cho các bạn trong việc đưa ra các quyết định lớn như học ở trường nào, ngành gì, có nên du học ngành này không, vân vân. Thế cho nên, ngay từ cấp ba, khi các em chưa phải lo toan muộn phiền nhiều chuyện trong cuộc sống thường nhật, chị nghĩ rằng việc tìm hiểu bản thân và khám phá những lĩnh vực và công việc khác nhau sẽ rất có lợi và tiết kiệm thời gian cho các em sau này.
9. Bây giờ có rất nhiều trong số chúng em đang băn khoăn về ý định đi du học, chị có thể cho chúng em lời khuyên gì cho quyết định này?
Du học đến với chị như một cái duyên vậy. Và thời điểm chị đi du học đã dạy chị rất nhiều thứ và dẫn lối cho chị đến một thế giới mà chị không bao giờ nghĩ bản thân sẽ được đặt chân đến. Chị luôn khuyên mọi người là nếu có thể, và nếu các bạn nghiêm túc với sự học của mình, hãy đi du học, để mở mang con người. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện để du học, các bạn vẫn hoàn toàn có thể phát triển bản thân và học được rất nhiều điều trong môi trường Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là mindset của các bạn, việc các bạn nghĩ gì và làm gì, hơn là việc thất vọng và ép buộc bản thân phải bước lên con đường du học. Cho nên là, hãy cứ cố gắng hết sức trên con đường của mình, dù con đường ấy có dẫn đến nước nào đi chăng nữa nhé. ;)
10. Để đến được ngày hôm nay, anh chị đã mang theo những gì trong vali tuổi trẻ của mình?
Thứ nhất, là sự đổ vỡ. Trải qua những chuyện trầm bổng trong cuộc sống, chị thấy rằng sự đổ vỡ là cần thiết để một người trở nên chân thật và mạnh mẽ hơn. Thất bại, va vấp, và cả mất mát sẽ là một phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách mỗi người, giúp mình có được cái nhìn sâu sắc và vị tha hơn đối với những người xung quanh và cả chính bản thân mình.
Thứ hai, là niềm yêu thích việc học. Chị cực kỳ thích học. Chị học tất cả những gì bản thân mình có thể học được và mong muốn học. Đây không chỉ là học những gì chúng ta được dạy ở trên trường, mà học từ sách, từ những người xung quanh, từ xã hội, từ mạng xã hội. Khi các bạn luyện được trong mình tâm trí của người học, thì đó sẽ là lúc các bạn mở rộng tiềm năng phát triển của bản thân mình hơn bao giờ hết.
Thứ ba, là sự tin tưởng. Tin tưởng vào bản thân, vào cuộc đời, vào những người xung quanh. Khi các bạn tin tưởng về những điều tốt đẹp, và chính bản thân các bạn hoàn toàn có thể tạo dựng nên những điều tốt đẹp ấy, mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ. Cho nên, đừng bao giờ đánh mất niềm tin trong mình. Đến một lúc nào đó, các bạn sẽ nhận ra những niềm tin ấy đã cho các bạn rất nhiều sức mạnh để bước vững trong cuộc đời đấy. ;)
11. Nếu được quay lại năm 15 tuổi, anh/chị sẽ làm những gì?
Đọc sách nhiều hơn nè, học nhiều kỹ năng hơn nè, mở lòng nhiều hơn với bạn bè nè. Chị nghĩ là nếu được quay lại năm 15 tuổi, chị sẽ bớt lãng phí thời gian làm những việc viển vông mà thật sự tìm cách đầu tư cho bản thân mình nhiều hơn, để đến năm chị 22 tuổi (là năm nay) có thể tích luỹ một kho kiến thức và kỹ năng khổng lồ rồi. Hehe.
Vậy đó là toàn bộ phần trả lời của mình trong mục Q&A này. Cảm ơn các bạn Fifteen Orientation Day đã cho chị một buổi trò chuyện vui vẻ như thế này nhé.
Và mong bài Q&A này sẽ có ích cho những bạn khác nữa.
Thân.
Hoại Băng.
Chị ơi, em chỉ là nhận được thông báo gmail rồi tình cờ đọc hết bài của chị thôi, và em nhận thấy những công việc mà chị đang làm, graphic design, edit các thứ là điều em muốn làm trong tương lai. Đại khái thì em muốn một ngành liên quan đến vừa viết vừa thiết kế như vậy chị ạ. Chị có thể bỏ chút thời gian quý giá tư vấn một con đường đi theo đuổi dựa trên con đường chị đã đi được chứ ạ ? Thứ lỗi cho kĩ năng tra Google thiếu sót của em, dù rất quan tâm tới mảng này và dành nhiều thời gian để tìm hiểu, em vẫn chưa tìm được đích điều em thích làm gọi là gì, thi ngành nào, đặc thù việc làm nữa. Mong chị sẽ hồi âm, em cảm ơn chị !
LikeLiked by 1 person
Chào em,
Cảm ơn em đã ghé thăm blog của chị nhé ^^.
Với câu hỏi của em thì chị nghĩ thế này nè. Thứ nhất em biết là muốn theo đuổi công việc nào đó liên quan đến viết lách và design phải không? Vậy thì chắc chắn em nên và phải học về design. Đối với chị thì không cần phải học quá sâu vào mặt design vì nó chỉ là skill hỗ trợ cho quá trình làm content của chị mà thôi. Nên em suy nghĩ xem thử mình muốn phát triển khả năng design của mình đến mức nào nhé.
Thứ hai là việc viết. Viết cũng là một skill nên chị muốn em xác định rõ là em sẽ viết về cái gì nhé. Ví dụ như chị học tâm lý thì chị sẽ viết xoay quanh nhưng gì liên quan đến tâm lý học, mở rộng ra là lifestyle, vv… Cho nên em xác định mình muốn tạo ra NỘI DUNG gì qua những bài viết hoặc các bản design của em ha.
Còn học ngành gì thì em có thể tìm hiểu marketing, thiết kế mỹ thuật, các ngành art-based, hoặc communication. Chị không học DH ở VN nên chị không rõ lắm về các ngành học ở VN nên em ráng tìm hiểu ha.
Còn việc làm thì, để chị kể em cái vision của chị nhé: Trong tương lai thì chị muốn làm content creator (là người viết/sáng tạo nội dung và sử dụng public media để spread out nội dung của mình) và tất nhiên thông qua những kênh media của chị (blog, Youtube, instagram) chị sẽ có thu nhập từ nó. Thứ 2 là chị làm social influencer/coach/mentor cho những ai muốn được định hướng và giúp đỡ trong quá trình phát triển bản thân/nâng cao sức khoẻ tinh thần và coach cho cả chế độ ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra thì chị mong muốn sẽ xuất bản được sách. Nên đó là vision cho nghề mà chị muốn theo đuổi. Tuy nhiên chị cũng muốn nói để đi theo con đường có hơi “risky” này thì cần phải làm việc, học nhiều và kiên nhẫn vì thời gian đầu có thể không ai biết đến em và em sẽ chưa kiếm được tiền từ công việc này. Nên cũng phải tìm những công việc khác để nuôi sống bản thân trong quá trình theo đuổi cuộc sống của freelancer.
Đó là một số suy nghĩ của chị. Có gì em thắc mắc thì rep lại cho chị nhé. <3
LikeLiked by 1 person
Em gửi chị Hoại Băng, em trả lời hơi trễ ạ, chị thông cảm cho em nhé. Thực sự lúc đọc trả lời của chị em thích ơi là thích vì được chị chia sẻ nhiều như thế. Cảm ơn chị đã kể về vision của chị cho em nghe, em đã được truyền cảm hứng nhiều lắm.
Viết lách hay design, em đã tìm hiểu các ngành liên quan đến hai bộ phận này, bao gồm các gợi ý của chị cho em nữa, nhưng em cảm thấy em muốn cả hai luôn song song với nhau, và là hai khả năng em có thể phát triển nhiều hơn thôi, nói đúng hơn em muốn sử dụng như công cụ hoặc tay trái, hai kĩ năng em sẽ sử dụng thường xuyên trong công việc của mình. Lúc biết chuyên ngành của chị là tâm lí học, em có hơi giật mình, vì hồi nhỏ em đã từng nghĩ rồi mai đây sẽ theo ngành này, em quan tâm tới con người, em hay phân tích hành vi và ứng xử của người khác, em cực thích lắng nghe và tư vấn cho mọi người. Em đã tự hỏi là có phải mình đã muốn đi theo con đường giống như chị đã chọn không ?
Hay chị kể cho em nghe nhiều hơn về con đường chị chọn và một chút về chuyên ngành của chị được chứ ạ ?
Em cảm ơn chị Hoại Băng, vốn dĩ rất thích đọc blog của chị rồi. Lần sau em sẽ cẩn thận check mail thường xuyên hơn để không bỏ lỡ thông báo từ chị. Cảm ơn chị nhé, chờ thông báo của chị.
LikeLike
Hi em,
Chà, để kể ra cả một quá trình từ đâu mà chị đi theo con đường này thì dài lắm. Chắc để chị tính toán viết luôn cả một bài kể chuyện của chị luôn thử xem sao.
Chị nghĩ thì rất nhiều người trong số chúng ta thích được giúp đỡ, tư vấn, lắng nghe người khác. Nó có thể xuất phát từ tính cách tốt bụng và đầy yêu thương tự nhiên chứ chưa hẳn là liên quan đến việc yêu thích ngành tâm lý học. Tuy nhiên nó có thể là cơ sở để em theo đuổi ngành tâm lý học, vì ngành này thật sự đòi hỏi một trái tim rộng mở ^^. Nhưng mà ngành tâm lý học không chỉ xoay quanh việc phân tích hành vi, hay lắng nghe và tư vấn, mà nó còn bao gồm rất rất nhiều khía cạnh khác mà em phải học. Và nếu như em không thực sự thích thì có những thứ em cảm thấy sẽ khô khan và khó học, đặc biệt khi em học về bệnh lý, về phát triển, về thuốc hoặc về thần kinh. Kiến thức rộng và sâu em ạ, và ở VN thì chị không biết rõ hệ đào tạo ngành tâm lý như thế nào.
Chị nghĩ nếu em biết mình thích gì lúc này, thì cứ bắt tay vào làm những gì liên quan đến những việc em thích. Thử viết, thiết kế, rồi thử tìm các sách và articles liên quan đến tâm lý xem sao. Nếu em cảm giác có sự phấn khích (excitement) trong em thì có thể em đang đi gần hơn với đam mê của mình đấy.
Có gì thì cứ nhắn lại cho chị nhé.
LikeLiked by 1 person
Chị The Mini Higgie ơi, em cảm ơn những dòng chị viết cho em lắm ạ. Bây giờ em vẫn còn kịp tìm hiểu xem lĩnh vực nào thì phù hợp với mình, và em hứa sẽ dành thời gian tìm hiểu, đọc những bài viết về ngành tâm lí học và cả những ngành em thấy hứng thú để tìm con đường phù hợp với mình nhất. Em cảm ơn chị lắm ạ, sau này lâu lâu chị lượn bút viết thêm một ít về Career Orientation cho blog nữa chị nha.
Sẵn tiện chị cho em vài trang web có tài liệu về major của chị được hemm ? Em đọc được tiếng Anh ạ.
Em thấy có lỗi vì trả lời tin rất chậm, còn chị thì rất tận tình mau chóng viết lại cho em. Chị của em có một ngày vui vẻ nhé.
LikeLike
I see you don’t monetize your website, don’t waste
your traffic, you can earn extra cash every month because you’ve got high quality content.
If you want to know how to make extra bucks, search for:
Boorfe’s tips best adsense alternative
LikeLike