Hiểu về “decision fatigue” để đưa ra quyết định đúng đắn

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua trường hợp phân vân giữa các lựa chọn: nên ăn cái cái gì, nên làm việc trước hay chơi trò này trước, có nên thức khuya để xem hết một season phim hay là ngủ sớm, vân vân. Thường thì chúng ta hay nghĩ rằng bản thân mình sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn, và lành mạnh, nhưng thật sự thì hầu hết thời gian thì chúng ta thường đưa ra những quyết định không được “lý trí” cho lắm. Hoặc đôi khi chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng, nhưng lại mất rất nhiều năng lượng và sức lực sau khi đưa ra những quyết định ấy.

Dạo gần đây mình hay nghiên cứu những gì liên quan việc cải thiện hiệu suất công việc, thì mình gặp phải rất nhiều lời khuyên từ những người khác là hãy giảm thiểu số lần chúng ta phải quyết định điều gì đó trong ngày xuống, và dành đa phần năng lượng cho những quyết định quan trọng và mật thiết hơn. Các bạn có thể tưởng tượng là khi chúng ta sử dụng cơ bắp quá nhiều, thì cơ bắp chúng ta sẽ trở nên nhức nhối hoặc mệt mỏi. Đối với bộ não trong việc đưa ra quyết định cũng vậy, khi chúng ta do dự, phân vân trước những lựa chọn quá nhiều, thì tâm lý của chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi, và có xu hướng càng lúc càng dễ đưa ra những quyết định không lạnh mành. Đây là một trong những dấu hiệu của “decision fatigue” hay còn gọi là “chứng mệt mỏi vì quyết định”.

Như đã nói, decision fatigue xuất hiện khi chúng ta đứng trước nhiều lựa chọn và liên tục sử dụng tâm trí bản thân để cân đo đóng đếm và đưa ra quyết định trước những lựa chọn ấy. Decision fatigue giải thích tại sao chúng ta lại đưa ra những quyết định mang nhiều cảm tính, chóng vánh và không được cân nhắc kỹ càng cho những việc quan trọng hoặc trực tiếp ảnh hưởng lên bản thân chúng ta. Hay khi chúng ta đứng trước một việc sẽ có tác động xấu (như ăn đồ ăn nhanh) và một việc tốt cho bản thân (tự nấu ăn với nhiều rau quả), thì chúng ta lại chọn việc ăn đồ ăn nhanh dẫu hiểu được hành động nào mới thật sự tốt. Thậm chí trong một số trường hợp, con người có thể lựa chọn không làm gì cả, và phớt lời hoặc trì hoãn những việc cần phải hoàn thành. Ví dụ như bạn sẽ quyết định xem một bộ phim thay vì làm bài tập về nhà hoặc luyện đàn piano, hoặc bạn sẽ chọn nằm ngủ thay vì đi tập thể dục hoặc đọc sách. Những quyết định được đưa ra dưới sự ảnh hưởng của decision fatigue sẽ mang đến cảm giác thoả mãn nhất thời, nhưng về lâu dài nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự thành công cũng như cảm giác hạnh phúc của mỗi người.

Thông thường khi nhắc đến những sự lựa chọn, chúng ta sẽ nghĩ đến ngay cụm từ “ý chí tự do” (will power). Tuy nhiên khoa học đã chứng minh, ý chí tự do không hề mạnh mẽ như chúng ta nghĩ, và thật sự chúng ta không làm chủ được các quyết định của mình như bản thân ta vẫn cho là thế. Ví dụ, bạn nghĩ rằng quyết định ăn món gì trưa nay được xuất hiện trong khoảnh khắc bạn lựa chọn với một sự suy nghĩ và cân nhắc do chính bản thân bạn đưa ra. Nhưng thực tế, các chất dẫn truyền thần kinh, tình trạng hệ tiêu hoá, món ăn bạn ăn sáng nay, những hoạt động bạn làm tối hôm trước, và sự gợi ý mơ hồ từ người khác đều có ảnh hưởng lên quyết định của bạn. Điều này cho thấy rằng, nếu bạn có thói quen đưa ra các quyết định không lành mạnh, sức khoẻ của bạn không tốt, cơ thể của bạn không ở trong trạng thái thoải mái, vân vân… bạn sẽ ít có khả năng quyết đinh đúng đắn. Về lâu về dài, sự liên kết của các neuron thần kinh sẽ đưa bạn vào cơ chế chọn những lựa chọn mang lại lợi ích tức thời nhưng có hại về sau nhiều hơn.

Nếu ngày nào chúng ta cũng đưa ra những quyết đinh không tốt, như ăn uống không lành mạnh, ngủ muộn, không hoàn thành công việc… thì chắc chắn chúng ta sẽ không trở nên mạnh khoẻ, hoặc thành công hơn. Tuy nhiên, rất nhiều người lại không nhận ra được tác hại của decision fatigue cũng như ảnh hưởng của những quyết đinh nhỏ mỗi ngày lên cuộc đời họ.

Nếu những quyết định đúng đắn mỗi ngày có thể giúp cuộc đời bạn xán lạn hơn, thì tập hợp những quyết định xấu cũng có thể phá huỷ cuộc đời tươi đẹp của bạn.

Vậy mọi người hay cũng mình xem có những cách gì để thoát khỏi decision fatigue và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn nhé.

  1. Đưa ra những quyết định quan trọng nhất vào buổi sáng. 

Vào buổi sáng khi bạn chưa phải quay cuồng trong một mớ sự lựa chọn, cũng như chưa mệt mỏi vì các hoạt đông trong ngày, bạn sẽ có xu hướng đưa ra quyết định đúng đắn và chính xác nhất. Đồng thời với một bộ não đã được nghỉ ngơi và bình tĩnh, sự cân nhắc quyết định của bạn cũng trở nên sâu sắc và toàn diện hơn. 

2. Lên kế hoạch những việc cần phải làm vào tối hôm trước.

Điều này có nghĩa là bạn sẽ lập to-do list cho ngày mai vào chính buổi tối hôm nay. Bạn không cần phải dành quá nhiều thời gian cho việc này, chỉ cần liệt kê các việc bàn cần hoàn thành, càng chi tiết càng tốt. Việc này sẽ hiệu quả hơn nên bạn lên kế hoạch sẽ làm những việc ấy vào lúc nào (mấy giờ đến mấy giờ) và ở nơi nào (học ở quán cà phê, thư viện). 

3. Lên cả kế hoạch ăn uống và sinh hoạt vào tối hôm trước

Bạn chỉ cần tính toán xem mình sẽ thức giấc lúc nào, ăn gì vào ngày mai, mặc gì, tập thể dục vào lúc nào, vân vân. Như thế bạn chỉ cần làm theo kế hoạch của mình mà không cần phải lăn tăn lo lắng quá nhiều. 

4. Đừng đưa ra những quyết định quan trọng khi bạn đang đói 

Cái bụng rỗng sẽ khiến bạn muốn đưa ra quyết định nhanh chóng, và không có đủ cân nhắc. Đồng thời, bạn cũng không nên quyết định nên ăn gì, hoặc đi siêu thị khi đói. Vì cuối cùng bạn cũng sẽ ăn cái gì đó không có lợi cho sức khoẻ hoặc tha một đống đồ ăn rác (junk food) về nhà mà thôi. 

5. Giới hạn và đơn giản hoá những lựa chọn của bạn. 

Lợi ích của việc theo đuổi lối sống tối giản là bạn sẽ không phải ngập đầu trong quá nhiều sự lựa chọn. Ví dụ bản thân mình sẽ cảm thất rất dễ dàng trong việc lựa trang phục vì hơn 80% áo quần của mình là màu đen và rất dễ phối với nhau, kiểu vớ đại cũng được một bộ đồ dễ nhìn í. Trong trường hợp bạn chưa quen thuộc với minimalsm, thì khi đối diện với nhiều lựa chọn (31 vị kem) thì bạn nên cắt giảm các lựa chọn xuống còn hai hoặc ba (2, 3 vị kem để chọn hoặc khỏi ăn kem vì kem nhiều đường lắm). Túm lại là phân vân trước hai ba lựa chọn vẫn tốt hơn là phân vân trước 30 lựa chọn các bạn nhé.

6. Bắt đầu lối sống tối giản 

Biết đâu là những gì quan trọng, mang lại hạnh phúc thật sự cho bản thân sẽ khiến chúng ta đỡ đau đầu và chìm ngập trong những lựa chọn hơn. Đồng thời, khi sống tối giản, bạn sẽ không phải suy nghĩ nhiều về sự được mất và chìm trong sự tiêu cực của chủ nghĩa tiêu dùng. Sống tối giản cũng giúp bạn tập trung vào những việc làm có ý nghĩa hơn và cắt giảm những hành động không lành mạnh ra khỏi cuộc sống của bạn.

7. Học cách nói “không” 

Việc luôn đồng ý với lời mời hoặc sự nhờ vả của người khác có thể khiến bạn thấy mệt mỏi cũng như không hoàn thành việc của bản thân. Học cách nói không (lịch sự và chân thành) có thể giúp bạn tránh khỏi nhiều rắc rối cũng như việc lãng phí thời gian. Học cách nói không cũng áp dụng cho những sinh hoạt cá nhân như nói không với thức ăn rác, nói không với việc ngủ nướng, nói không với trì hoãn, vân vân. 

8. “Just do it.” 

Nếu như bạn đang băn khoăn có nên dọn phòng không, thì tốt nhất là bạn nên bật dậy là đi dọn dẹp thay vì suy nghĩ. Suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bạn trì hoãn và cảm thấy “tội lỗi” vì đã trì hoãn thay vì thực hiện hành động. “Just do it” là một câu nói rất quyền lực, một trong những chìa khoá chủ chốt của công cuộc chống lại sự trì hoãn.

Hehe.

9. Học cách lựa chọn những quyết định có lợi lâu dài mỗi ngày

Mình nghĩ chúng ta nên bỏ lối suy nghĩ: hôm nay ngủ muộn tí có sao đâu, hôm nay không tập thể dục cũng không chết, hôm nay lười một tí cũng được mà, vân vân. Mình biết là lúc nào cũng kỷ luật kỷ cương thì bản thân chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, mình rất khuyến khích mọi người hãy học cách đưa ra những quyết định lành mạnh vào hầu hết thời gian. Khi ấy các liên kết neuron trong bộ não liên quan đến các quyết định lành mạnh sẽ được phát triển bền vững, giúp bạn nhanh chóng quyết định đúng đắn về sau. Ví dụ như nếu tối nào bạn cũng lựa chọn đi ngủ sớm, thì sau một thời gian bạn không còn phải lăn tăn về việc có nên ngủ sớm không, mà thay vào đỏ bạn sẽ đi ngủ sớm luôn đấy. Ngược lại, nếu bạn vẫn đưa ra những quyết định xấu hằng ngày, dần dần bạn sẽ quen với những điều không tốt ấy luôn.

10. Dừng lại vài giây và đặt câu hỏi. 

Trước khi quyết định có nên ăn kem, bạn có thể dừng lại ba giây để hỏi bản thân: Liệu ăn món này có tốt không? Hôm nay mình đã nạp vào bao nhiêu lượng đường tinh luyện rồi? Trước khi xem một bộ phim, bạn có thể dừng lại ba giây để hỏi: Hôm nay mình làm xong hết việc cần làm chưa nhỉ?

Những khoảng khắc dừng lại đó sẽ là lúc bạn tự tỉnh thức, tự check-in với bản thân và nhận thức rõ mình đang làm gì vào lúc này. Dần dần, bạn sẽ trở nên có ý thức về bản thân và cách sống của bản thân mình hơn.

11. Xây dựng routine buổi sáng và routine buổi tối. 

Nói một cách khác là bạn sẽ biết rõ mình sẽ làm gì vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Routine với những thói quen lành mạnh sẽ giúp bạn phát triển bản thân, giảm stress, nâng cao sức khoẻ tâm thần và thể lý, nâng cao hiệu suất làm việc cũng như giảm thiểu các quyết định bạn phải đưa ra vào đầu và cuối ngày. Routine có một sức mạnh rất lớn trong việc thay đổi bản thân mà mình nghĩ ít người hiểu được, và mình thật sự hi vọng mỗi bạn đều có thể tìm hiểu và xây dựng một routine phù hợp với bản thân mình. 

Tóm gọn lại, mình nghĩ rằng decision fatigue là một điều mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể gặp phải nếu như không biết cách đơn giản và cắt giảm những sự lựa chọn xuất hiện trong cuộc đời mình. Nếu các bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về tác hại của những sự lựa chọn, thì có thể tìm đọc thêm quyển sách “Nghịch lý của sự lựa chọn” của tác giả Barry Schwartz. Và mình hi vọng bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một cái nhìn khác về việc đưa ra quyết định và sức mạnh của những lựa chọn nhỏ bé hằng ngày.

Keep hygge,

Hoại Băng 

 

References: 

The paradox of choice. Barry Schwartz

What does it all mean. Thomas Nagel 

What is Decision Fatigue? (And How to Avoid Bad Choices)

Is Decision Fatigue Leading To Your Lack of Success? 

And other references. 

7 thoughts on “Hiểu về “decision fatigue” để đưa ra quyết định đúng đắn”

  1. Reblogged this on little abditory and commented:
    những gì trong bài viết này mình đều đã nghĩ qua cả, vẫn không hiểu vì sao mình vẫn trì trệ mọi việc.

    thôi thì reblog trước đã, qua tuần này mình sẽ nghĩ lại một cách nghiêm túc hơn về các vấn đề tương lai…

    Liked by 1 person

  2. […] Phương pháp này giúp giảm thiểu tối đa “chứng mệt mỏi vì quyết định” hay tiếng Anh còn gọi là “decision fatigue”. Mình có đọc một bài viết về chủ đề này từ trang blog theminihygge của bạn Hoại Băng và thấy bạn ý phân tích rất hay, nên sẽ để link ở dưới đây để mọi người có thể đọc. https://theminihygge.com/2017/10/21/hieu-ve-decision-fatigue-de-dua-ra-quyet-dinh-dung-dan/ […]

    Like

Leave a comment