Trước khi nói bất cứ điều gì liên quan đến CV, mình sẽ chia sẻ với mọi người bài giới thiệu profile của một người chị mình và cũng là boss trong dự án viết từ điển Tâm lý học của bọn mình:
“Diễn giả mà BTC xin được “tự” giới thiệu tới các bạn hôm nay đó là chị Felix Nguyễn.
Felix Nguyễn sáng lập EzPsy với mong muốn đưa tâm lý học tới gần hơn với các bạn trẻ yêu thích bộ môn tại Việt Nam. EzPsy lúc đầu tập trung vào các video song ngữ Anh-Việt và được mời tạo các khóa học trên zuni.vn và zing.vn. Sau thành công của video series, chị “rủ rê” và “bóc lột sức lao động” nhóm cộng sự với bộ sách 5 tập “Tâm lý học trong nháy mắt”.
Ngày xửa ngày xưa, nghe giang hồ đồn đại, học TLH tổ chức-doanh nghiệp (I/O) ra “vểnh râu đếm tiền”, chị “hòa trộn” hai chuyên ngành (TLH và quản trị kinh doanh – QTKD) nhưng đến giờ vẫn chưa thấy tiền đâu =]]
-Hiện đang theo học tiến sĩ
-Thạc sĩ QTKD loại Ưu, ĐH Anglia Ruskin, Vương Quốc Anh
-Cử nhân TLH, ĐH Murdoch, Úc (chuyên ngành I/O)
-Văn bằng (diploma) QTKD, Republic Polytechnic, Singapore
Tiểu sử vò đầu bứt tóc /viết lách:
-Nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu quản trị công ty, định chế và tổ chức, Khoa kinh doanh, ĐHQG Singapore (NUS); đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu tầm quốc gia (Singapore) và khu vực ASEAN
-Trợ lý nghiên cứu, Khoa hành vi doanh nghiệp, ĐH quản lý Singapore (SMU)
-Trợ lý biên tập Nhập môn TLH trên trang tích hợp học tập trực tuyến, Khoa TLH, NUS
-Thành viên Hiệp hội TLH Hoa Kỳ
-Cố vấn khóa học Nhập môn TLH (Yale) trên kienhoc.vn
-Chủ biên, đồng tác giả bộ sách “TLH trong nháy mắt”
-Tác giả/đồng tác giả 4 nghiên cứu khoa học, trình bày tại Hội thảo TLH khu vực 11/2017
-Tác giả nhiều bài phân tích doanh nghiệp, thị trường trên báo Đầu tư chứng khoán (Vietnam Investment Review)”
(Nguồn: VIET Psychology)
Ngoài những yếu tố hài hước của bài chia sẻ trên, hẳn bọn mình đều sẽ ấn tượng với những gì mà chị ấy đạt được cũng như tạo nên. Theo lời chia sẻ của chị Felix, những gì chị ấy đạt được là thành quả sau hơn 10 năm cố gắng, để cho chị có được một số thứ để bỏ vào… CV của mình.
Mọi người nhìn một CV như vậy, các bạn có thích không?
Mình thì mê tít mắt ấy. Haha.
Quay trở lại với bài viết ngày hôm nay, mình chỉ muốn viết một bài suy nghĩ, và cảm nhận của bản thân mình về chủ đề CV, portfolio, resume hay bất cứ cái gì mà các bạn lưu giữ kinh nghiệm và thành tựu của bản thân mình. Nói đúng hơn, mình muốn chia sẻ về những thứ “đằng sau” những CV ấy, về quá trình làm thế nào để chúng ta xây dựng một CV ấn tượng cho bản thân mình.
Thật ra mà nói, nhiều người xung quanh mình có những CV rất khủng với số lượng thành tựu và công việc đáng kể. Và tất cả những gì họ có được đều nhờ một quá trình làm việc và cố gắng qua nhiều năm, dần dần đúc kết thành một bề dày kinh nghiệm và “chiến tích” cho mình. Nhìn họ, mình cũng trăn trở một điều là làm thế nào để bản thân ta có thể làm được nhiều hơn, làm cho CV của mình “nở rộ” giữa bao ngàn CV khác. Và thật sự có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trên con đường chúng ta xây dựng CV cho mình, ví dự như những việc gì mới thật sự có ý nghĩa trong CV, số lượng và chất lượng điều nào tốt hơn, những kỹ năng gì sẽ xuất hiện trong CV ấy? Và còn vô vàn câu hỏi khác nữa.
Vậy giờ ta phải bắt đầu từ đâu trên hành trình xây dựng CV cho mình?
- Tư duy cầu tiến và muốn phát triển
Mình nghĩ rằng, trong thời đại hiện này, chúng ta nên suy nghĩ nhiều về việc làm dày kinh nghiệm bản thân, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm và đạt được những thành tựu nhất định cho mình. Cá nhân mình không tin rằng việc tốt nghiệp đại học với bằng loại giỏi như thế nào sẽ là một phần quan trọng trong CV của mỗi người. Đồng ý rằng việc bạn tốt nghiệp đại học hàng đầu với điểm loại ưu sẽ là một điểm cộng, những xã hội lúc này, những người “thuê,” và cả những người dõi theo bạn sẽ cần nhiều điều hơn thế. Đó là lý do tại sao mình khuyến khích mọi người làm này làm kia, trải nghiệm nhiều việc ở mức độ/hình thức khác nhau, và tạo ra được những sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Trong tâm trí mỗi người, việc có những suy nghĩ muốn được phát triển, được đào tạo, được thử sức là nền tảng để chúng ta thành công trong tương lai. Trên hết, những điều mà bạn đã làm được chính là những thứ mà người ta sẽ nhớ đến bạn, như trong bài về xây dựng thương hiệu cá nhân mình đã nhắc đến.
Bắt đầu từ tư duy chính là bắt đầu bởi những suy nghĩ muốn vượt qua vòng tròn thoải mái, muốn được thử sức và đối diện với khó khăn, muốn được tạo ra nhiều sản phẩm và để lại nhiều dấu ấn trên con đường của mình. Khi đó, CV của bạn sẽ phong phú dần qua năm tháng mà chính bạn thậm chí không hề hay biết.
Có một vài bạn hỏi mình làm thế nào để sống với đam mê. Mình thường hay bảo khi các bạn đã có đam mê riêng cho mình, thì làm thật nhiều, tạo ra thật nhiều sản phẩm với đam mê ấy. Nếu bạn thích thiết kế, hãy không ngừng thiết kế vào tạo ra hàng trăm nghìn bản thiết kế của bản thân, hãy sẵn sàng làm các project lớn, hay làm cho những người khác. Khi ấy portfolio của bạn sẽ đầy ắp sản phẩm, và bạn có thể tự hào viết trong CV của mình “with hundreds/thousands pieces of artwork” hay tương tự như vậy. Khi đó, không ai có thể phớt lờ bạn được nữa.
2. Nhận làm nhiều việc liên quan đến lĩnh vưc mà bạn đang theo đuổi
Thật ra các bạn có thể làm những việc không liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi, tuy nhiên đây vẫn là sự lựa chọn tối ưu cho những ai muốn xây dựng nền tảng công việc vững chắc. Ví dụ như mình học về tâm lý thì 80% thời gian mình liên quan đến các công việc trong ngành như viết và dịch bài tâm lý, viết từ điển, tư vấn và giúp đỡ người khác, cũng như chia sẻ kiến thức của mình đến cho mọi người. Và một điều quan trọng trong việc này chính là hãy nhận làm nhiều việc nhất mà bạn có thể. Mỗi khi có một công việc liên quan đến tâm lý nào đó xuất hiện, mình đều xem nó là một cơ hội, nên nếu có khả năng thực hiện tốt, mình sẽ mong muốn được làm việc đó. Ví dụ như mình chỉ vừa tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý, nhưng mình đã làm trong một tổ chức lớn về tâm lý ở Việt Nam hơn 2 năm, nằm trong ban tác giả của một quyển sách tâm lý vừa phát hành, đang tham gia viết một quyển từ điển về tâm lý, đã có kinh nghiệm tham vấn ngang hàng, đang dịch một quyển sách về tâm lý, đã có kinh nghiệm tổ chức một số hoạt động liên quan đến sức khoẻ tinh thần, và một trang web liên quan để phát triển bản thân và sức khoẻ tâm lý, đã có gần 50 bài viết và dịch. Mặc dù những gì mình làm không hề lớn, không có quy mô rộng rãi, nhưng nó dần dần xây dựng một nền tảng tâm lý học vững chắc cho mình, phục vụ cho công việc mai sau.
3. Học hỏi từ những người giỏi, và ĐI THEO HỌ
Bạn sẽ học được rất nhiều từ những người tài giỏi hơn bạn, từ tư duy đến cách làm việc. Chính những kỹ năng mà bạn học được từ người khác ấy sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc của mình, chưa kể bản thân bạn cũng có thể đưa những kỹ năng ấy vào trong CV. Bên cạnh đó, mình khuyến khích các bạn nên đi theo những người giỏi, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các bạn có thể xin tham dự, phụ giúp những chương trình và dự án mà họ đang làm, hoặc bạn có thể nhìn cách họ phát triển để vạch ra một lộ trình tương tự cho chính bản. Quen càng nhiều người giỏi, bạn càng có thể học và phát triển được nhiều hơn.
4. Tập trung vào một hai lĩnh vực/kỹ năng mà bạn giỏi nhất hoặc thích nhất
Mặc dù bản thân mình hay tự nhận là một người đa tiềm năng (multipotentialite), mình vẫn cố gắng tập trung vào một số lĩnh vực nhất định hoặc tạo ra sự liên kết giữa các lĩnh vực mà mình đang theo đuổi. Sẽ có lý do vì sao mình vừa học tâm lý vừa nghiên cứu về dinh dưỡng, mình biết việc học về nhiếp ảnh và thiết kế sẽ giúp ích cho công việc mình như thế nào. Rồi từ đó, mình sẽ tập trung thời gian để trải nghiệm và tạo ra nhiều thành phẩm hơn trong những lĩnh vực đó. Chúng là những điểm chủ chốt mà mình sẽ tập trung mô tả trong CV cũng như nhắc đến khi nói về những giá trị mình luôn muốn tạo ra. Tóm lại, cũng như hơn là việc biết sơ sơ bốn năm ngoại ngữ, việc bạn rất giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp thôi cũng đủ khiến bạn sáng giá hơn rất nhiều.
5. Xây dựng CV không chỉ là về thành tựu cân đong đo đếm được, nó còn là về giá trị và tính cách của một người
Thật ra, mình chỉ muốn mượn chuyện CV để chia sẻ về việc làm thế nào chúng ta phát triển và “gây dựng cơ đồ” cho bản thân mà thôi. Một CV đẹp chỉ là yếu tố phụ, một kết quả dĩ nhiên trong cuộc đời những người luôn cố gắng làm việc và phấn đấu. Mình nghĩ quá trình một người xây dựng bản thân và cuộc đời mình (hoặc CV tất nhiên) sẽ có rất nhiều ý nghĩa, nó thể hiện được chúng ta là người như thế nào, giá trị nào mà chúng ta muốn mang lại cho thế giới này, và khát khao khôn lớn của chúng ta đến bao nhiêu.
Có lẽ, trong mười giây, hai mươi giây đọc CV của một người nào đó, chúng ta sẽ hiểu được người đó là ai, tính cách thế nào, khát khao điều gì trong đời sống. Như thể qua những dòng chữ đó, chúng ta sẽ nhìn thấy được cả một cuộc đời.
Keep hygge,
Hoại Băng