Trò chuyện về Thuỷ ngân

Đăng hình này là vì hôm đó mình bưng bé Mon của mình lên thuyết trình về thuỷ ngân =))

Chào mọi người! Mình vừa làm xong một bản nghiên cứu nhỏ về thuỷ ngân, và đã viết xong báo cáo để nộp cho giáo viên. Mình nhận thấy những thông tin mình tìm hiểu được về thuỷ ngân khá là thú vị, nên cũng muốn viết một bản tiếng Việt như thế này để chia sẻ với mọi người thêm thông tin về thuỷ ngân. Mọi người cùng đọc xem nhé.

Thuỷ ngân là gì?

Tên tiếng anh của nguyên tố Thuỷ ngân là Mercury, ký hiệu là Hg. Số hiệu nguyên tử của thuỷ ngân là 80, cho thấy trong một nguyên tử thuỷ ngân có 80 proton và 80 electron. Thuỷ ngân là một nguyên tố kim loại (nặng), có ánh bạc, và tồn tại ở dạng lỏng trong nhiệt độ phòng.

Khi nhắc đến thuỷ ngân, có người sẽ nghĩ đến thuỷ ngân có trong những cái nhiệt kế chúng ta sử dụng khi bị sốt, có người nhớ mang máng nguyên tố này trôi nổi trong biển khá nhiều do những vụ dầu loang, có người lại nhớ lại thời học sinh các thầy cô luôn nhắc nhở cẩn thận với thuỷ ngân, đừng để nó đổ ra sàn vì dọn dẹp nó sẽ là thảm hoạ. Đối với mình, nhắc đến thuỷ ngân mình lại nghĩ ngay đến sao Thuỷ, haha.

Mình có làm một cuộc khảo sát online nhỏ về những gì các bạn biết về thuỷ ngân, có tổng cộng 27 bạn đã trả lời khảo sát cho mình. Trong đó, 96% các bạn bảo thuỷ ngân có trong nhiệt kế, 90% các bạn bảo rằng thuỷ ngân rất độc, 19% bảo rằng thuỷ ngân rất khó lau dọn khi đổ ra sàn và chúng ta phải tránh nó, 70% các bạn bảo nồng độ thuỷ ngân trong cá rất cao, có bạn nhắc đến cá hồi lẫn cá ngừ. Một bạn có nhắc đến việc thuỷ ngân tồn tại ở những dạng khác nhau, và một lượng nhỏ cũng có thể gây chết người. Và không có bạn nào nhắc đến sự tồn tại của thuỷ ngân ở những thực phẩm khác cũng như trong môi trường.

Điều này làm mình suy nghĩ, vì sự thật là thuỷ ngân tồn tại ở khắp mọi nơi, mà có thể chúng ta không biết. Trong thực phẩm, thuỷ ngân tồn tại dưới dạng methymecury (MeHg), và đây cũng là dạng chất độc nhất của thuỷ ngân.

Thuỷ ngân xuất hiện từ đâu?

Trong tự nhiên, thuỷ ngân tồn tại cũng như bao nguyên tố, hoặc kim loại khác. Nó là một nguyên tố linh động trong thành phần cấu thành đất đá, nước, và bầu khí quyển. Nó cũng tồn tại trong hệ sinh thái dưới dạng mô động vật và mô thực vật (Swedish Expert Group, 1971). Trong vỏ Trái Đất tồn tại một lượng lớn thuỷ ngân, và ở những vùng đất hữu cơ màu mỡ, hàm lượng thuỷ ngân có thể cao hơn. Một số hoạt động tự nhiên như sự bay hơi nước, đặc trưng thời tiết có thể góp phần vào việc di chuyển thuỷ ngân từ nơi này sang nơi khác.

Ngoài nguồn gốc tự nhiên, thuỷ ngân cũng là sản phẩm của nền nông nghiệp. Để bảo vệ hạt giống khỏi cái loại nấm, người ta thường sử dụng thuỷ ngân. Ban đầu, thuỷ ngân vô cơ được sử dụng nhưng từ năm 1940, hợp chất hữu cơ alkylmercury được tạo ra và được đưa vào sử dụng với số lượng lớn. Và một điều chúng ta nên ghi nhớ là hợp chất thuỷ ngân hữu cơ độc hại hơn hợp chất vô cơ. Khi việc sử dụng thuỷ ngân trong công việc phổ biến, nồng độ thuỷ ngân xuất hiện trong môi trường ngày càng cao bởi sự truyền tại thuỷ ngân giữa các loài sinh vật. Một số loài vật như chim, động vật ăn cỏ có thể ăn những loại cây có chứa thuỷ ngân, hay tiếp xúc với vùng đất có thuỷ ngân. Từ đó, những động vật ăn thịt chúng cũng có thể bị nhiễm nhiều thuỷ ngân hơn. Những trường hợp con người bị ngộ độc thuỷ ngân với quy mô nhỏ như ở Mỹ đã được phát hiện nguyên do đến từ những loại thực vật phát triển từ hạt giống dùng thuỷ ngân, hay thực phẩm động vật được cho ăn bằng những loại thực vật đó. Những trường hợp ngộ độc thuỷ ngân đã khiến một số nơi như Thuỵ Điển, và Canada bắt đầu nghiêm cấm sử dụng alkylmercury trong nông nghiệp. Tỉnh bang Alberta của Canada đã từng nghiêm cấm săn bắn gà lôi và gà gô bởi vì mức độ nhiễm thuỷ ngân nặng nề của chúng.

Trong công nghiệp, thuỷ ngân và các hợp chất của nó cũng được sử dụng rộng rãi. Ngành công nghiệp chế tạo giấy, công nghiệp hoá chất xử lý nước đã góp một phần rất lớn vào việc gia tăng thuỷ ngân trong những nguồn nước lân cận. Mặc dù trong những ngành công nghiệp này, hợp chất thuỷ ngân vô cơ đã được sử dụng tuy nhiên điều đó không làm chúng trở nên vô hại khi trôi nổi trong những dòng nước. Trong thực tế, Jensen và Jernelov (1976) đã chứng minh rằng những hoạt động của vi sinh vật tồn tại đầy rẫy trong các sông hồ đã góp phần biến đổi thuỷ ngân vô cơ sang methymecury, và hầu hết toàn bộ thuỷ ngân tồn tại trong nước đều được biến chuyển thành dạng này. Từ đó, hợp chất này được hấp thụ, và tuyên chuyển giữa các vi sinh vật và sinh vật tồn tại dưới nước, bao gồm cá và những loại thức ăn khác được tiêu thụ trực tiếp bởi con người. Ngoài ra, sự vận hành của một số ngành công nghiệp hoá chất đã góp phần acid hoá nguồn nước lân cận, khiến cho cá trong các dòng nước đó hấp thụ nhiều thuỷ ngân hơn.

Tới lúc này, chúng ta có thể nhận thấy thuỷ ngân xuất hiện lớn ở cá và những sinh vật sông, biển khác. Tuy nhiên, mọi người phải nhìn nhận một điều là những dòng sông nhỏ sẽ đổ ra biển lớn, và nguồn nước có thể đi khắp mọi nơi. Điều này khiến cho các sinh vật khác sống nhờ nước (con người, thực vật, động vật) đều có nguy cơ bị nhiễm thuỷ ngân. Điều này cũng đặc biệt đúng với các loại rau củ quả, và động vật được nuôi trồng ở những khu vực gần các nhà máy hoá chất hoặc ở trong các khu nông nghiệp, công nghiệp nói chung.

Thuỷ ngân ảnh hưởng đến sức khoẻ chúng ta như thế nào?

Từ năm 1953 đến năm 1960s, đất nước Nhật Bản bao trùm bởi không khí nặng nề do căn bệnh gọi là “bệnh Minamata.” Đây là một thảm hoạ đầu độc biển Minamata với thống kê hơn 2000 người thiệt mạng, và 13000 người khác chịu ảnh hưởng. Nguyên nhân gây ra thảm hoạ đầu độc này xuất phát từ việc một công ty hoá chất đã xả rác thải chứa hàm lượng thuỷ ngân rất cao ra biển Minamata. Cho đến bây giờ, thuỷ ngân vẫn hiện lên như một cơn ác mộng đối với người Nhật Bản.

Dù cho chúng ta không phải người Nhật Bản, chúng ta cũng nên cảm thấy sợ hãi với chất độc này. Mỗi một cá nhân sẽ có một mức độ nhạy cảm với thuỷ ngân khác nhau, cũng như mỗi người sẽ có một sự nồng độ hấp thu thuỷ ngân riêng cho mình. Những ai thường xuyên sử dụng các thực phẩm từ cá có thể có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân cao hơn. Khi chúng ta ăn phải thuỷ ngân, sau 30 tiếng lượng thuỷ ngân đó sẽ phân bổ đi toàn cơ thể và ảnh hưởng đến tất cả các tế bào và bộ phận trong người. Một trong những dấu hiệu bị ngộ độc thuỷ ngân ban đầu bao gồm: giác quan bị ảnh hưởng, mất điều hoà vận động, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng đến thị giác, và những hành vi vận động khác. Những ảnh hưởng về nhận thức và thần kinh bắt đầu xuất hiện khi hàm lượng thuỷ ngân trong bộ não vượt mức 5~10g/1kg (Lofroth, 1972). Một đợt nhiễm độc khác ở Iraq đã cho thấy những dấu hiệu kế tiếp của việc ngộ độc thuỷ ngân bao gồm những dấu hiệu nhẹ như nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, mờ mắt, tiêu hoá kém. Những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân đã trải qua những cơn liệt nhẹ, run rẩy không ngừng, rối loạn thị giác và thính giác. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có thể bị mù hoặc điếc, hôn mê, và bị ảnh hưởng tâm thần nặng nề (Damluji, 1976). Một điều chúng ta nên ghi nhớ là tác hại của thuỷ ngân thường không thể hiện ngay lập tức, và nó sẽ bồi đắp dần qua thời gian cho đến khi chúng ta phát bệnh. 

Vậy còn ảnh hưởng đến môi trường thì sao?

Việc thuỷ ngân là một nguyên tố tồn tại trong tự nhiên không có nghĩa là những hợp chất nhân tạo của nó hoàn toàn vô hại với môi trường và hệ sinh thái. Mình đã nói qua ở trên là những sinh vật dưới nước có thể bị nhiễm thuỷ ngân qua nước hoặc thức ăn của chúng. Nghiên cứu cho thấy những rối loạn liên quan đến sinh hoá, sinh sản của sinh vật biển có liên hệ đến hàm lượng thuỷ ngân nặng nề mà chúng nhiễm phải. Thuỷ ngân cũng có gây hại vô cùng lớn đối với các vi sinh vật. Ngoài ra, một số loại chim và gia cầm ăn phải thức ăn chứa thuỷ ngân cũng có dấu hiệu giảm ăn, và kém phát triển, đi kèm với những rối loạn khác như rối loạn hormones, hoạt động tim mạch, và hệ miễn dịch (Dean W, 2000). Gói gọn lại, ảnh hưởng chủ đạo của thuỷ ngân lên môi trường là về sự lây lan bao phủ của nó trong chuỗi thức ăn và liên tục ảnh hưởng đến nhiều sinh vật khác nhau. 

Làm thế nào để dần dần loại bỏ thuỷ ngân ra khỏi cơ thể? 

Việc đầu tiên là hạn chế sử dụng thực phẩm hải sản, đặc biệt là hải sản đến từ những vùng biển bị ô nhiễm hoặc sông hồ gần nhà máy, trang trại. 

Cá nhân mình trước đây vốn chỉ biết thuỷ ngân có trong cá và đồ biển, và nó gây nên tác hại vô cùng tồi tệ với cơ thể những người sử dụng đồ biển. Mình thường hay khuyên người khác hạn chế thực phẩm biển của mình, đặc biệt là cá hồi và cá ngừ. Thực tế, theo US FDA, những loại cá lớn và đứng đầu trong chuỗi thức ăn đại dương như cá mập, cá kiếm, cá thu biển, vvv… là những loại cá chứa hàm lượng thuỷ ngân vô cùng lớn. Tuy nhiên, trong thực tế mọi người đang tiêu dùng số lượng lớn cá ngừ, cá hồi, và các loại sò và nó có thể dễ dàng gia tăng hàm lượng kim loại nặng trong cơ thể chúng ta. Mình có một cô người bạn Nhật Bản, chỉ số kim loại nặng trong máu của cổ là 200, trong khi chỉ số an toàn bình thường của một người chỉ nên (hình như) là ở mức 29. Và hiện tại cô ấy không thể ăn bất cứ một loại hải sản nào.

Ngoài ra, những sản phẩm chức năng hoặc xuất phát từ cá đều có thể có hàm lượng thuỷ ngân cao nếu như công ty sản xuất không cam kết loại bỏ thuỷ ngân và kim loại nặng trong sản phẩm của mình. Dầu cá là sản phẩm chứa rất nhiều thuỷ ngân nên mình thường gợi ý mọi người đừng sử dụng dầu cá mà dùng các sản phẩm từ tảo biển hoặc dầu tảo biển. Lý do mọi người dùng dầu cá là vì muốn cung cấp thêm omega-3 và các loại fatty acids thiết yếu khác, nhưng các sản phẩm từ dầu thực vật chất lượng cao (đặc biệt là dầu tảo) hoặc tìm đến các loại hạt và đậu cũng là một lựa chọn tốt hơn. Nếu mọi người vẫn muốn sử dụng dầu cá thì việc liên lạc hoặc nghiên cứu về công ty sản xuất là một việc cần phải làm. Giờ mọi người lướt lên đầu bài này đi, thấy cái ảnh mình đăng kèm, trong đó phía góc bên phải có một cái chai thuỷ tinh màu đen đen nâu nâu với cái hình tròn xanh xanh, đó là DHA + EPA chiết xuất từ thực vật mà mình đang dùng, hôm đó mình mang lên để giới thiệu với cả lớp đấy. 

Đối với lượng thuỷ ngân đã được hấp thụ, thì chúng ta có thể sử dụng thức ăn để “vô hiệu hoá” chúng cũng như khiến chúng bớt nguy hiểm hơn cho tế bào. Một số thực phẩm được khuyên dùng để đối phó với thuỷ ngân là thực phẩm chứa nhiều zinc (kẽm) và selenium như các loại hạt, đậu, bắp, rau bina, nấm, yogurt, chuối, kiwi, mít, xoài, dưa gang, vải, và táo đỏ. Thực phẩm nhiều vitamin E và rau củ các loại nhìn chung cũng có hiệu quả rất tốt. 

Tóm lại thì hôm nay mình viết một bài đơn giản để mọi người hiểu thêm về thuỷ ngân, về sự hiện diện của nó trong thức ăn hàng ngày. Mình không biết nó có ích không nhưng biết thêm nhiều thông tin thì càng hữu ích mà nhỉ :D 

Có câu hỏi nào thì mọi người comment cho mình nhé.

Keep hygge

Hoại Băng

 

 

Bibliography

A. Tolan and G. A. H. Elton. Food Science Division, Ministry of Agriculture, Fisheries and Food. Mercury in Food. Horseferry Road, London, United Kingdom.

Dean W.Boening (2000). Science Direct. Ecological effects, transport, and fate of mercury: a general review.

E. F. Jelliffe (2011). Adverse Effects of Foods. New York, United State of America: Plenum Publishing Corporation.

Food and Argriculture Organization of the United Nations (2013). UN Committee recommends new dietary intake limits for mercury. United State of America. 

U.S. Food & Drug Administration (2004). What you need to know about mercury in fish and shellfish.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s