SDSE – Những yếu tố quyết định sức khoẻ của con người

Happy new week! Đầu tiên là cứ chúc cho mọi người có những ngày đầu tuần vui vẻ nhé.

Những bài viết gần đây mình hay viết về tâm lý, chăm sóc tinh thần của bản thân, thì hôm nay mình quyết định viết một bài chia sẻ về sức khoẻ thể lý (chắc chắn là có liên quan đến sức khoẻ tâm lý rồi) dựa trên bốn yếu tố được gọi là SDSE. Trong bài viết này mình sẽ phân tích từng yếu tố một cách cơ bản và có tính khái quát, từ đó mọi người có thể tìm hiểu sâu thêm, áp dụng cho bản thân, hoặc comment cho mình biết nếu các bạn muốn mình viết kỹ hơn về điều gì nhé.

SDSE là gì?

SDSE là một cụm từ do mình tự chế =)), lấy từ chữ cái đầu tiên của bốn từ trong tiếng anh: STRESS, DIET, SLEEP và EXERCISE. Các bạn hẳn đã vô cùng quen thuộc với cả bốn từ này rồi, và chúng ta đa phần đều thực hiện những hoạt động của bốn yếu tố này trong đời sống hằng ngày. Nhưng mình tự hỏi đã có khi nào các bạn tìm hiểu vai trò của bốn yếu tố này đối với sức khoẻ và đời sống chúng ta như thế nào, và sự mất cân bằng trong SDSE sẽ ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?

Bây giờ mình sẽ dẫn các bạn dạo qua từng yếu tố một, và mình mong mọi người hiểu đây là một bài viết khái quát về những yếu tố được xem là quan trọng nhất đối với sức khoẻ và mình chưa đi quá sâu và các yếu tố. Đồng thời, vì mỗi cá thể sẽ có những điều kiện sinh thể lý khác nhau, nên một việc nào đó không nhất thiết đều có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Và chúng ta sẽ là người tự tìm một lối sống, sinh hoạt phù hợp và lành mạnh cho bản thân mình nhất.

  1. STRESS 

Một trong những định nghĩa đơn giản của stress là: “một sự kiện mang tính thách thức đòi hỏi những phản ứng thích nghi sinh lý, nhận thức và hành vi của con người. Stress cũng có thể được xem là một sự kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy (fight or flight response).” Stress còn có thể hiểu đơn giản hơn nữa là cảm giác căng thẳng của chúng ta trong đời sống hằng ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà mình đặt Stress lên đầu trong SDSE, bởi vì stress được xem như là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng sức khoẻ tâm lý có quyền năng to lớn như thế nào đối với con người chúng ta. Nếu các bạn để ý, hầu hết các quyển sách về sức khoẻ, dinh dưỡng, vân vân… đều luôn dành hẳn một chương để nói về stress. Nếu bạn hạnh phúc và vui vẻ khi ăn khoai tây chiên thì nó vẫn có thể mang lại lợi ích cho bạn hơn là khi bạn bực bội và chán ghét khi ăn rau. Nói như vậy không có nghĩa là mình cổ suý cho các bạn “vui vẻ” ăn những món có hại, vì về lâu dài nó sẽ phá huỷ cơ thể bạn, mà mình muốn nhấn mạnh tâm trạng của bạn có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ những khía cạnh còn lại của cuộc sống bạn.

Bản thân mình có một niềm yêu thích kha khá đối với chủ đề stress. Mình đã từng làm workshop về nó, viết bài, làm sổ tay về nó, và viết cả những chương sách về stress. Mình nhận ra rằng chúng ta có thể bị stress từ nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống, từ những mối quan hệ, công việc, học tập, và cả thói quen sinh hoạt lẫn thức ăn đều có thể làm chúng ta bị stress. Điều này có thể gây nguy hại đến sức khoẻ thể lý và tâm lý, ảnh hưởng sự phát triển cũng như phá huỷ cảm giác hài lòng của chúng ta đối với cuộc sống. Càng tìm hiểu nhiều về stress, mình lại càng phát hiện nhiều cách để chúng ta giảm thiểu stress, thậm chí những cách đó còn đến từ những việc rất nhỏ như viết nhật ký, ngồi thiền, tập thể dục, hoặc vui cười với bạn bè người thân. Các bạn có thể đọc bài viết về những cách làm sao thoát khỏi tâm trạng tồi tệ mà mình đã viết (phần 1phần 2 ) để tham khảo nhé. Cũng như đừng quên download sổ tay về căng thẳng mà mình và nhóm BMVN đã chia sẻ miễn phí cho mọi người ha. : D

Túm gọn lại là để có được một sức khoẻ tốt, đầu tiên chúng ta nên tập trung giải toả căng thẳng trong tâm trí và đầu óc mình. Khi tâm trạng chúng ta được nhẹ nhàng và vui vẻ, chúng ta có thể bắt đầu chữa lành cơ thể bằng những hoạt động khác.

2. DIET

Có câu “You are what you eat,” còn mình thì tin tưởng vào câu “You are what you digest” hơn. Haha, đây là một câu chuyện dài, nhưng mình nghĩ rằng chế độ ăn là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Khi thấy từ “diet,” mình không muốn mọi người nghĩ đến những chế độ ăn giảm cân, ăn kiêng, hay những chế độ ăn mà chúng ta thường thấy trên quảng cáo và mạng xã hội. Mình muốn viết về chế độ ăn như một bức tranh tổng thế về những gì mà chúng ta đưa vào trong cơ thể mình.
 
Có thể nói, chế độ ăn ảnh hưởng đến rất nhiều điều: sức khoẻ thể lý, sức khoẻ tinh thần và tâm lý, sức khoẻ sinh sản, bệnh lý, hệ miễn dịch, lão hoá, vân vân. Mình tin tưởng chế độ ăn ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt của cơ thể con người. Nếu như nghiên cứu sâu hơn về dinh dưỡng, các bạn sẽ thấy thức ăn được chia tách ra thành những phân tử rất nhỏ, từ đó được hấp thụ và đưa đi khắp cơ thể chúng ta để duy trì và phát triển cơ thể. Thức ăn ảnh hưởng đến chúng ta ở cấp độ phân tử, tác động đến mỗi một tế bào và toàn bộ các hệ thống và tổ chức vận hành nội tại. Nếu chúng ta không cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng, các hệ thống và hoạt động hiện hành trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, có một hệ sinh thái các vi khuẩn, nấm, và vi sinh vật trong hệ tiêu hoá, bao gồm những “kẻ xấu” và “người tốt.” Điều chúng ta muốn làm là nuôi dưỡng người tốt và bỏ đói kẻ xấu để chúng không làm hại cơ thể chúng ta. 

Nhiều người trong số chúng ta có thể đang xem nhẹ mối quan hệ giữa dinh dưỡng và sức khoẻ. Chúng ta nghe về tập thể dục, về các cách giảm stress, về uống thuốc… nhưng nếu các tế bào trong cơ thể không được nuôi dưỡng bởi dưỡng chất, và nếu cơ thể không ngừng bị đầu độc bởi các chất có hại, thì bất cứ điều gì chúng ta làm cũng khó có thể chữa lành được cơ thể. Ngoài ra, có một mối liên hệ đặc biệt giữa bộ não và hệ tiêu hoá – giữa sức khoẻ tâm thần và dinh dưỡng, mà nếu chúng ta bỏ qua thì nó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các khía cạnh đời sống khác của chúng ta. Đây cũng là một lý do lớn tại sao mình quyết định học về dinh dưỡng, mà mình sẽ chia sẻ với các bạn ở một bài viết khác. 

Về cơ bản, chúng ta luôn biết được một số chất là có hại cho cơ thể như đường đơn (simple sugar, glucose, simple carb), các loại thực phẩm chiên với nhiều dầu mỡ, sữa bò qua chế biến, đạm động vật chất lượng thấp, và một số thực phẩm khác phức tạp hơn và cần nhiều phân tích hơn (như cà phê, tinh bột, chất béo, gluten…) Nhìn chung, chúng ta có một làn ranh cơ bản mà khi đó chúng ta sẽ cố tránh những thực phẩm rõ ràng có hại cho cơ thể trước khi chúng ta tìm hiểm thêm về các nhóm thực phẩm khác. Đồng thời, nâng cao mức độ tiêu thụ rau, củ, trái cây, các loại thóc gạo, đậu, hạt và nước chất lượng sẽ cải thiện sức khoẻ chúng ta. Trong tương lai mình sẽ viết cụ thể hơn về các loại thực phẩm khác nhau, cũng như nếu có câu hỏi bất kỳ nào về dinh dưỡng, các bạn comment cho mình biết nhé. Mình sẽ tìm hiểu và trả lời cho các bạn.

Xét về khía cạnh dinh dưỡng, mình mong muốn mọi người hiểu rằng mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng phù hợp với bản thân mình, mọi thứ đều cần được cân bằng: đúng thời điểm, đúng số lượng, đúng chất lượng, đúng kết hợp để tạo nên một chế độ ăn tốt cho mỗi người. Ngoài ra, việc tìm hiểu thêm về dinh dưỡng là một việc mình tin rằng là cần thiết cho mỗi một người. Và tìm hiểu như thế nào để tiếp cận với nguồn thông tin đúng đắn, có bằng chứng khoa học và đã được kiểm nghiệm, nghiên cứu từ các nhà khoa học, bác sĩ, nhà dinh dưỡng cũng là một yếu tố cần cân nhắc khác.

Để nói về dinh dưỡng không thôi thì mình có thể viết đến mai mất, nhưng mình chỉ muốn nhen nhóm một chút suy nghĩ về dinh dưỡng, chế độ ăn trong tâm trí mọi người. Vì mình thật sự đã rất “shock” khi mình học được những gì mà mình đang học, và bất ngờ vô cùng vì trước đây mình không hề nghĩ đến chúng, nhưng giờ lại là một lĩnh vực mà mình cực kỳ đam mê. 

3. SLEEP

Ngủ, là một hoạt động yêu thích của mình. Haha

Sỡ dĩ mình thích ngủ, là vì mình có rất nhiều niềm vui với giấc mơ của mình. Mình biết đây là thời gian cơ thể mình phục hồi, chữa lành những tổn thương, thải độc, cũng như tái tạo các tế bào. Nếu không ngủ đủ giấc, cơ thể chúng ta sẽ không thể vận hành bình thường, sức khoẻ tâm lý và hiệu suất làm việc của bộ não cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể. 

Bản thân mình luôn sẵn sàng hi sinh những thú vui khác như xem phim, đọc truyện,… cho việc học hoặc làm việc, nhưng ngủ thì không (*cười*). Mình luôn cố gắng để đạt được ít nhất bảy đến tám tiếng ngủ mỗi đêm, vì nếu không ngủ đủ giấc, mình sẽ không thể hoàn thành tốt các hoạt động trong ngày. Dạo gần đây mình mới biết thêm được là cơ thể mình đòi hỏi 8 đến 10 tiếng ngủ là tốt nhất, nhưng 7 đến 8 có thể nói là một ngưỡng an toàn. Mỗi người sẽ cần có một thời gian ngủ dài ngắn khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là việc chúng ta cần phải ngủ vào ban đêm, và có giấc ngủ chất lượng để cơ thể có thể tự phát triển và chữa lành. 

Các bạn có thể đọc thêm bài viết: Để có một giấc ngủ ngon của mình để biết thêm về giấc ngủ ha. 

4. EXERCISE 

Không nhất thiết phải là chơi thể thao hoặc vận động mạnh, bất cứ hình thức luyện tập thể lực nào cũng góp phần khiến chúng ta khoẻ hơn, và đó là lý do tại sao nó xuất hiện trong SDSE. Tác hại của việc không tập thể dục thể hiện rõ qua các biểu hiện như sức chịu đựng của cơ thể kém, hệ miễn dịch yếu, cơ thể hay mệt mỏi và lờ đờ, tâm trạng thường hay u ám và căng thẳng, người tăng cân và có dấu hiệu di chuyển trì trệ, khả năng tập trung giảm, người ít cơ bắp, nguy cơ bị giòn xương cao, và cơ thể sẽ bị lão hoá nhanh hơn so với người thường xuyên tập thể dục. Ngược lại, tập thể dục hằng ngày có thể mang lại những lợi ích sau: 

  • Giảm huyết áp 
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai 
  • Duy trì chức năng của hệ miễn dịch
  • Giảm lượng mỡ tích tụ trong cơ thể
  • Giúp xương chắc khoẻ 
  • Tăng cơ bắp 
  • Tăng khả năng hô hấp 
  • Nâng cao năng lượng
  • Giảm nguy cơ vị viêm khớp
  • Nâng cao đời sống tính dục
  • Giúp ngủ ngon
  • Giảm lo âu, giải toả tâm trạng căng thẳng
  • Cải thiện trí nhớ, giảm nguy cơ mắc chứng giảm trí nhớ 
  • Tăng trí thông minh

Mình thì yêu thích Yoga và có mong muốn được tập Tai Chi trong tương lai, nhưng Yoga thật sự đã giúp mình rất nhiều trong quá trình mình chữa lành bản thân. Và còn rất rất nhiều điều đặc biệt mà yoga có thể mang đến cho cơ thể và tâm trí con người khiến mình luôn luôn gợi ý mọi người thử tập yoga một lúc nào đó. Mình đã viết một bài về việc làm sao để tập thể dục hằng ngày cũng như vì sao chúng ta nên tập thể dục, mọi người đọc lại tham khảo nhé. 

Kết lại, qua bài viết này mình muốn nói rằng có những điều mà chúng ta biết nó tốt hoặc xấu cho chúng ta, nhưng không biết rõ nó tốt như thế nào và xấu ra sao, cũng như mức độ xấu tốt mà chúng tạo thành. Mình quan niệm cơ thể của mình cũng quan trọng như tâm trí, nó cũng cần được chăm sóc và yêu thương. Thêm vào đó, xét về sức khoẻ, thật ra mình không quan trọng việc sống lâu hay không. Mình quan trọng là trong thời gian mà mình sống, mình có sức khoẻ để làm những điều mình mong muốn, để tận hưởng mọi thứ, để không phải chiến đấu với bệnh tật hoặc cảm giác khó chịu trong người. Đó là lý do mình để ý đến sức khoẻ tương đối kỹ từ những năm đầu tuổi hai mươi, chứ không đợi đến năm bốn mươi năm mươi mới bắt đầu chăm sóc sức khỏe của mình. 

Các bạn nghĩ sao về SDSE và việc để ý chăm sóc sức khoẻ của mình? Comment cho mình biết ha. 

Keep hygge,

Hoại Băng 

 

Advertisement

9 thoughts on “SDSE – Những yếu tố quyết định sức khoẻ của con người”

  1. Cảm ơn bạn, bài viết chăm chút và cho mình thêm những cách nhìn mới về mọi thứ hàng ngày trong cuộc sống. Từ những thứ “tưởng chừng” như đơn giản như ăn uống ngủ nghỉ đến vài chuyện to tát như kiểm soát stress. Rất thích các bài blog của bạn. Mong đọc những bài tiếp theo. :)

    Liked by 1 person

  2. Tôi muốn trao đổi với bạn một chút, bạn cho tôi địa chỉ mail với, cảm ơn bạn nhiều!

    Like

  3. Mình đã gửi mail tới Hoại Băng, rất mong Hoại Băng sẽ chia sẻ nhiều bài viết bổ ích như thế này nữa nhé.
    Trân trọng!

    Like

  4. chị ơi viết thêm nhiều về tập yoga ngồi thiền với chế độ ăn đi ạ cám ơn chị nhiều vì những kiến thức quý báu bổ ích :)

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s