Bước Chân Về Tỉnh Thức

Chúng ta sống trong hiện tại, không phải ở quá khứ hoặc tương lai. Nhưng thời khắc lại vút bay nhanh chóng, vì thế sống trong hiện tại có nghĩa là nhận thức và chấp nhận dòng chảy của thời gian – và rằng quá khứ đã qua, rằng tương lai chỉ là giả thuyết. Bạn cũng không thể chắc chắn rằng ngày mai sẽ đến. Chính khoảnh khắc này, là tất cả những gì mà bạn có thể tựa nương.

Nắm lấy khoảnh khắc hiện tại, chúng ta nghe những lời đó – nhưng hiểu lấy khái niệm này theo nghĩa đen thì chỉ chẳng khác gì chúng ta đang sống cuộc đời của động vật, chẳng hề nghĩ đến bất cứ giá trị nào. Sống trong hiện tại cũng không nên bị nhầm lẫn với chủ nghĩa hưởng lạc (1). Rõ ràng, toàn bộ ý niệm về trách nhiệm đạo đức được dựa vào việc suy nghĩ đến tương lai – những hệ quả tương lai. Quá khứ cũng vậy, không thể bị chối bỏ – nó là vùng đất màu mỡ chứa đựng những kỷ niệm vô giá của chúng ta. Tập trung sâu sắc vào chuyện gì đang xảy ra, mỗi một hành động, mỗi một từ ngữ được gọi là tỉnh thức (Hay khái niệm chánh niệm trong phật giáo – chú thích từ người dịch). Với tỉnh thức, sẽ chẳng có thứ gì trong số đó trốn chạy khỏi bạn. Nhưng điều này cần được thực tập không ngừng.

Rất dễ dàng để làm mọi thứ một cách máy móc, tự động. Hơn nữa, bạn có thể nghĩ rằng làm việc một cách máy móc có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian. Nhưng điều này vốn dĩ là sai. Nếu bạn không “sống trong hiện tại,” bạn thường có thể quên đi điều gì đó, làm rối tung mọi việc, hoặc trôi theo một thói quen nào đó có thể khiến bạn lãng phí nhiều thời gian hơn. Những ai không thực sự sống trong hiện tại có thể đi đến kết cục đánh mất thời gian của mình.

Sống trong hiện tại, đối với một người trưởng thành, là việc hiểu rõ sự qua đi của thời gian là một phần căn bản của cuộc sống, chấp nhận bất cứ điều gì xuất hiện trên con đường của chúng ta, bất cứ điều gì ta không thể nào thay đổi – bao gồm cả sự già nua. Đây không phải là việc níu lấy điều gì đó – sự sở hữu, con người, thói quen, quá vãng. Điều cốt lõi là trở nên tích cực, và mặt khác, không bị chìm ngập trong hoài niệm hay hối hận, hoặc nỗi lo âu hay niềm hi vọng hão huyền về một ai đó khác.

Thời gian đồng hồ không phải là thứ nền tảng: nó chỉ là một trình tự nhân tạo áp đặt cho dòng chảy kinh nghiệm sống. Nó có thể thống trị cuộc sống chúng ta, suy nghĩ chúng ta, nếu chúng ta không cẩn thận với nó. Quản lý thời gian là một sự rèn luyện kỷ luật theo đúng bản chất của nó – làm thế nào để dành ưu tiên, làm sao để đạt hiệu quả? Phấn đấu cho sự hiệu quả có lẽ rất đáng được ngưỡng mộ, tuy nhiên một điều gì đó quan trọng lại có thể lạc mất trong quá trình ấy. Bị điều khiển bởi thời gian đồng hồ khiến chúng ta đánh mất sự tự do – sự tự do để được là chính bản thân mình: cũng là điều mà việc sống trong hiện tại muốn hướng đến. Chúng ta chỉ có thể được là mình khi ta làm ngơ những yêu cầu nhân tạo khác – chỉ còn lại những điều mà ta chấp nhận một cách vui lòng.

Công nghệ thông tin hiện đại cũng gây nên áp lực lên chúng ta. Ngoài áp lực từ đồng hồ, còn có cả áp lực từ email, và điện thoại cá nhân. Tính chất nhanh chóng và tiện lợi của hai phương tiện công nghệ đó khiến chúng trở nên hấp dẫn. Nhưng một lần nữa, chúng bỏ tù chúng ta. Và sống trong hiện tại chú trọng rất nhiều về việc được độc lập.

Nó cũng hàm chỉ về “sự nhận biết (2)” – một từ quan trọng, mà rất nhiều người hiện nay dùng nó trong tương quan với “sự tỉnh thức.” Sự nhận biết có nghĩa là hoàn toàn tỉnh táo và cảnh giác – những tính chất rõ ràng là cần thiết cho việc trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn. Kẻ cắp của sự nhận biết là những dạng ảo giác khác nhau – ví dụ như ý niệm rằng chúng ta cực kỳ đặc biệt, hay cực kỳ thông minh, hoặc ngược lại, ý niệm rằng chúng ta vô dụng, hay không thể đạt được thành tựu, hoặc nhàm chán. Cảm xúc cũng che mờ sự nhận biết của chúng ta. Nhận biết là sự quan sát những gì xảy ra bên trong và bên ngoài chúng ta, hoặc trên bề mặt chung của hai khía cạnh đó.

Một kẻ cắp khác của sự nhận biết là thói quen. Chúng ta không thể nào hoàn toàn nhận biết nếu chúng ta bị kiểm soát bởi thói quen – chứng nghiện việc lặp đi lặp lại những mô thức hành vi. Những chiếc cùm sắt ấy trói buộc chúng ta, và nhiều khi chúng ta không hề nhận thức được về điều đó.

Để hoàn toàn nhận biết được, chúng ta cần có khả năng của sự tĩnh tại. Chúng ta cần biết điều đó có nghĩa là gì, và để biết được điều này thì chúng ta cần phải có thể ngồi yên tĩnh và nhận ra những cảm giác đang chạm lấy chúng ta. Chúng ta phải có thể để những suy nghĩ trôi lững lờ trong tâm trí, thay vì giữ chúng lại và cố gắng thay đổi chúng. Nó có ích cho việc thiền định. Thông qua thiền định, chúng ta có thể tìm thấy sự tĩnh tại sâu lắng nhất trong linh hồn. Yoga và Thái Cực Quyền, và những phương thức rèn luyện năng lượng khác, đều rất có ích. Khi bạn luyện thập thiền định trong những hoạt động hằng ngày, hơi thở của bạn sẽ sâu hơn, tầm nhìn của bạn sẽ kỳ diệu hơn. Bạn dường như sẽ trở nên sáng suốt hơn, phong phú hơn, và có lẽ đáng tin cậy hơn.

Đi xa hơn nữa, sự nhận biết chuyển mình đến sự khai sáng. Trong vấn đề này, chúng tôi đang bước chân vào vương quốc tâm linh. Đây là lĩnh vực mà ngôn từ cực kỳ không thoả đáng, bởi vì nó thuộc về lĩnh vực của lý tính, của trí tuệ, mà không phải là lĩnh vực của kinh nghiệm. Việc trải nghiệm Nhất Thể (3) – thể thống nhất cơ bản của tất cả mọi thứ – là có khả năng. Nhưng chỉ có phép ẩn dụ và so sánh mới có thể hoá những trải nghiệm đó thành ngôn từ.

Không ai trong số chúng ta là cô độc, và để sống trọn vẹn và đủ đầy, chúng ta cần những mối quan hệ. Tất cả chúng ta đều có các mối quan hệ, nhưng không cần thiết phải là những mối quan hệ sâu nặng. Từ cốt lõi của tình cảm, chúng ta có thể khiến những mối quan hệ trở thành một phần của sự sống trọn vẹn. Đây không chỉ là vấn đề của gia đình và bè bạn. Xa hơn, chúng ta có hàng xóm, người quen, và rất nhiều các nhóm khác trong cộng đồng. Chúng ta có mối quan hệ và tương đồng giữa các linh hồn sống– có người có thể gọi là các sinh vật sống. Sống trong hiện tại được bồi đắp bằng việc hiểu rõ giá trị của điều này, và sống bằng những giá trị chung, bao gồm hành vi trách nhiệm xã hội, và các công việc thiện nguyện.

“Ngoài kia,” tất nhiên không chỉ có mỗi con người: nó còn là thiên nhiên, là những kỳ công của vũ trụ. Phép màu xuất hiện trên ngưỡng cửa của chúng ta từng ngày. Sống trong hiện tại có nghĩa là sự lưu tâm – với chính bản thân, với những người khác, và những những điều kỳ diệu đã khiến hành tinh, và cả vũ trụ của chúng ta trở nên phi thường.

Chính là khoảnh khắc quan trọng nhất – ở đây, ngay lúc này, đưa bạn đến gần nhất với sự đủ đầy. Hãy hành động như thể ngày mai bạn sẽ không nhớ mình đã làm gì vào hôm nay. Hãy có “trí óc của sơ nhân,” hãy quên đi những gì bạn nghĩ là bạn biết, và để thế giới này làm bạn ngạc nhiên. Thật là một cách sống tươi mới làm sao!

Quyển sách này cũng bàn về cách nhìn nhận sự hoàn hảo trong các khoảnh khắc đời thường, các khoảnh khắc khó khăn, các khoảnh khắc tốt đẹp. Hiểu thấu, đáp lại, và cảm nhận sự bừng nở của từng làn sóng nhận biết.

Trao tặng sự lưu tâm của bạn cho mỗi một phút giây. Niềm hứng khởi của sự sống sẽ lấp đầy bạn. Thế giới này chẳng nợ bạn điều gì, nhưng bạn nợ thế giới nỗi hàm ơn với cuộc đời. Hãy để mỗi một khoảnh khắc bộc lộ nên sự biết ơn này.

(Dịch từ 1001 Way to Live in the Moment – tác giả: Barbara Kipfer.)

——————–

Chú thích:

(1) Chủ nghĩa hưởng lạc (Hedonism): là “hệ thống triết lý đề cao việc mưu cầu lạc thú và tránh né khổ đau như là mục đích chủ yếu trong cuộc sống.

Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức duy nhất là thoả mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, hay chí ít giảm thiểu trong khả năng có thể, mọi nỗi khổ đau của mình trong đời.

Có nhiều trường phái tư tưởng khoái lạc; một số cổ xuý cho các khoái cảm nhất thời, số khác bàn đến cả lạc thú tinh thần. Trong số đó, trường phái vị kỷ (The Egoistic school) đề cao sự thoả nguyện tối đa cho bản thân, bất kể đến việc gây ra hậu quả đau khổ cho người khác. Tuy nhiên, những người theo trường phái vị lợi lý tưởng (the Ideal Utilitarians) chỉ chấp nhận những lạc thú mà mọi cá nhân đều được phép hưởng thụ, cho đó là mục tiêu khả dĩ mang đến lợi ích tối đa cho nhân loại.”

Nguồn: http://thuquantriethoc.blogspot.com/2013/10/chu-nghia-khoai-lac-cua-epicurus.html#.Vmu6GoQlfUo

(2) Sự nhận biết – sự nhận thức (awareness): cá nhân Băng nghĩ hai khái niệm này có đôi chút khác nhau, nhưng trong ngữ cảnh này, Băng chọn dùng sự nhận biết.

(3) Nhất Thể (Oneness): Nó còn được gọi là tính hợp nhất. Trong Phật giáo, “Nhất thể là khái niệm về sự giác ngộ, vượt lên sự chấp ngã, nhị nguyên, hạnh phúc hay phiền muộn, nghiệp xấu hay tốt.” Trong ngữ cảnh này, hãy xem như mọi thứ trong, ngoài bạn hợp nhất thành một thể, ta gọi đó là Một.

Tham khảo: http://www.haynhinvaobentrongban.com/news/giac-ngộ-la-trỏ-vè-vói-nhát-thẻ-(oneness)-vuợt-len-sự-chấp-nga,-nhi-nguyen,-hạnh-phuc-hay-phiền-muộn,-nghiệp-xấu-hay-tốt/

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s