10 bài học nhỏ bé về tài chính cá nhân

hình ảnh chi mang tính chất thu hút người xem = ))

Dạo này mình hay đọc được một số bài viết, chia sẻ về chuyện tiền bạc và tài chính, nên đột nhiên mình nghĩ là hình như mình chưa viết một bài nào về việc quản lý chi tiêu, tài chính, và liên quan đến tiền bạc ở blog của mình cả. Chợt thấy đó cũng là một chủ đề hay để mình thử viết ra xem những gì mình biết, và học được về tài chính cá nhân, một cách thô sơ và mang tính chia sẻ cá nhân nhất.

Kể về quá trình học tập trong quá khứ thì mình chỉ có học mỗi 2 lớp kế toán căn bản mà thôi (mình thấy chúng cũng thú vị lắm), nên giáo dục về tài chính của mình chắc cũng vỏn vẹn nằm ở con số O tròn trĩnh í. Nhưng mình nghĩ đến hiện tại, việc quản lý chi tiêu và tài chính cá nhân của mình cũng khá là ổn, mọi thứ đều được rút ra từ kinh nghiệm bản thân, cũng như gom góp một số ý tưởng từ sách vở và người khác. Từ đó mình xây dựng được nền tảng tài chính cá nhân phù hợp với mình, và cho phép mình quản lý mọi chi tiêu một cách dễ dàng hơn. Qua bài viết này, mình chia sẻ với mọi người những bài học đơn giản về tài chính mà mình biết được, cũng như đang thật sự áp dụng hằng ngày nhé.

  1. Xây dựng bảng thu chi cá nhân là điều rất cần thiết

Cá nhân mình có một bảng mẫu thu chi cá nhân, và nó trông như thế này. Còn số liệu trong hình này mình bịa lên để minh hoạ thôi : )) 

Trong bảng này, mình chia ra nhiều cột bao gồm chi tiêu cho thức ăn, chi tiêu cho những chi phí cá nhân hàng tháng như tiền điện thoại, điền vé xe bus, tiền sách vở, cột cho tiền thuê nhà, cột cho những ghi chú đặc biệt, thu nhập của mình được mình lưu giữ dưới dạng tiền mặt và tiền trong tài khoản ngân hàng. Bên cạnh bảng chính, mình có bảng nhỏ tổng kết số tiền mình chi tiêu cho thức ăn, cho nhu cầu cá nhân, thu nhập của mình trong toàn thời gian, và một bảng nhỏ hơn (màu xám đậm) là cho từng tháng một.

Cách sử dụng bảng này cũng khá đơn giản, mình ghi chú từng chi tiêu hằng ngày của mình, dù là mình mua đồ ăn vặt chỉ có một hai đô, hay là mình mua cái gì đó mắc tiền hơn. Điểm mấu chốt là mình ghi chép TẤT CẢ các chi tiêu của mình, không bỏ sót thứ gì. Điều đó khiến cho mình nắm rõ số tiền mình đang có trong tay, và độ chính xác gần như tuyệt đối. Vào giữa tháng và cuối tháng khi mình nhận lương thì mình cũng sẽ nhập số tiền mình nhận được vào bảng. Và sau một tháng thì mình tổng kết mọi thứ trong bảng nhỏ xám bên cạnh và chuyển qua tháng mới thôi.

Mô hình kiểm soát thu chi này mình thực hiện hơn một năm, nhưng chỉ dành cho thời điểm mình ở nước ngoài. Trong quá trình cũng có những thay đổi lớn nhỏ đề phù hợp và tiện dụng hơn, và đến bây giờ thì bảng thu chi này là bảng mà mình hài lòng nhất.

Kiểm soát thu chi chặt chẽ như thế này là một điều rất quan trọng. Nó cho chúng ta thấy được chúng ta chi tiêu bao nhiêu trong một ngày, một tuần, một tháng, vào khoản nào, để mua gì, và liệu chúng ta có đang sử dụng quá nhiều tiền vào một mục nào đó không, ví dụ như là dùng nhiều tiền để mua đồ ăn quá (như mình :P), thì chúng ta có thể điều chỉnh lại. Nó cho phép chúng ta thấy được số tiền tiết kiệm cuối tháng của chúng ta là bao nhiêu, để từ đó lên kế hoạch cho những dự định hoặc đầu tư trong tương lai.

Vì vậy, lời khuyên tài chính đầu tiên mà mình luôn dành cho mọi người, cũng như luyện tập bản thân là lập một bảng thống kê thu chi kỹ lưỡng, không cần quá cầu kỳ, mình thấy dùng Excel là hoàn hảo. Và kiểm soát, thống kê thu chi của mình hằng tuần, hoặc hằng ngày như mình nếu bạn có thể nhé.

2. Giữ lại hoá đơn, và phân chia theo tháng

Việc giữ lại hoá đơn sẽ có ích nếu như bạn 1/quên cập nhật thu chi hằng ngày, 2/phải làm thuế, 3/ muốn đổi trả món hàng nào đó và 4/so sánh giá cả các cửa hàng. Nếu như bạn không có bốn nhu cầu trên thì việc giữ lại hoá đơn cũng không cần thiết lắm. Vậy nên điều này sẽ tuỳ thuộc vào mỗi người nhé. Bản thân mình thì giữ chúng lại, để sau này có làm thuế.

3. Phân biệt thứ mình “cần,” và thứ mình “muốn.”

Từ đó, chúng ta có thể mua sắm những vật dụng mà chúng ta cảm thấy thật sự cần thiết. Bản thân mình hay đặt câu hỏi là “nếu không có thứ này, có điều gì trong cuộc sống mình bị ảnh hưởng không?” “từ trước đến giờ mình vẫn sống không có nó, tại sao bây giờ mình phải mua nó?” “mức độ hữu dụng của nó với mình như thế nào?” “liệu trong lúc mình đang túng thiếu, mình vẫn có thể sẵn sàng bỏ tiền ra để mua nó hay không?”

Mình cảm thấy việc phân biệt những thứ mang tính thiết yếu và mang tính “mua vui” là cần thiết. Vì nhiều lúc chúng ta không thích chúng, không cần chúng như chúng ta vẫn nghĩ. Mình không muốn kết cục khi đã mang một món hàng về nhà, mình sẽ không sử dụng chúng thường xuyên, cũng như không tìm thấy niềm vui ở chúng nữa. Do đó, mình rất cẩn thận với mỗi một quyết định mua sắm của mình, đảm bảo mình không mua sắm linh tinh.

4. Dành thời giản để “khảo sát thị trường.”

Mình biết Kin fammer market là nơi mua cam, dưa hấu, dưa gang… rẻ nhất, Wholefood là nơi mua đậu hũ, nấm, đậu, rau, kiwi, chuối, bánh mì, bột bánh, yến mạch… rẻ nhất, Superstore là nơi mua táo, diêm mạch, trà, kem… rẻ nhất và Victoria là nơi mua vitamins, xà phòng, dầu gội… rẻ nhất. Đơn giản là mình đã đi khảo sát giá, ghi chép, so sánh các cửa hàng khác nhau xem thử đâu là nơi mình có thể mua được sản phẩm với giá thấp nhấp. Mặc dù so sánh thì chênh lệch giữa các cửa hàng không nhiều, nhưng về lâu về dài có thể tiết kiệm cho mình một khoản tiền lớn. Thật ra, khảo sát thị trường cũng không tiêu tốn của mình quá nhiều thời gian, và mình chỉ cần tập trung vào những món hàng mình hay mua cũng như tận dụng các hoá đơn để so sánh là đủ rồi.

5. Không mua sắm như một cách giải toả tâm trạng.

Nếu như các bạn đã đọc bài về những lỗi lầm mình mắc phải năm 17 tuổi, các bạn sẽ thấy là mình từng là người mua sắm để tìm vui, giải toả tâm trạng. Đây là một điều mà mình nghĩ nhiều bạn cũng mắc phải  nhỉ? Tuy nhiên, thứ nhất mua sắm sẽ không thật sự khiến tâm trạng của bạn khuây khoả, thứ hai nó có thể khiến bản ủ dột hơn vì phát hiện một số tiền lớn đã được dùng vào mua sắm. Mình thật sự mong chúng ta cùng hiểu rằng, mua sắm theo tâm trạng không phải là cách để chữa lành tâm trí của mình, cũng như nó không mang lại cảm giác thanh thản cho chúng ta.

6. Nếu mình không đủ khả năng để chi trả nó, mình sẽ không mua nó, cũng như không vay mượn để mua nó

Dù là mua vật dụng, hay mua trải nghiệm (du lịch, tiệc, concert) mình có quan niệm rất đơn giản: nếu mình không có đủ tiền để mua, mình phải động đến tiền tiết kiệm, hoặc mình phải chi tiêu cực kỳ tằn tiện sau đó, thì mình sẽ không bỏ tiền ra mua. Mình không muốn “làm loạn” đời sống của mình vì một điều mà ngay từ đầu mình đã không đủ khả năng thoải mái chi trả. Không là không, đơn giản như vậy. Mình không cần phải lăn tăn quá nhiều vì điều đó, cũng sẽ chẳng cảm thấy tiếc nuối điều gì vì mình biết mình đã làm điều đúng đắn nhất cho bản thân.

7. “Nếu thứ này không được on-sale, thì mình có mua nó với giá nguyên bản không?”

Nếu câu trả lời là không, mình sẽ không mua nó, dù nó có đang sale. Ngược lại, nếu nó cần thiết với mình, mình sẽ mua nó, dù nó có được sale hay không.

Mình nghĩ đây là một câu hỏi rất quyền lực. Bởi nó đánh thức mình dậy, trong khoảnh khắc mình bị cuốn hút bởi những thứ đang được giảm giá, đươc sale, mà không nhận ra thực sự mình chẳng cần nó trong cuộc sống của mình. Nó cũng giúp mình tránh khỏi những lần mua nhiều đồ giảm giá, nhưng kết thúc với một số tiền chi ra khổng lồ. Nghĩ theo một cách khác, đây là bài học về sự tỉnh táo trong mua sắm, nhận biết những chiêu trò quảng cáo mà các nhà sản xuất, các tiệm đưa ra để dụ dỗ người tiêu dùng chúng ta.

8. Chủ nghĩa tối giản có thể là cứu tinh đời sống tài chính của mình

Mình không dám nói minimalism có thể giải thoát tất cả mọi người khỏi gánh nặng về kinh tế, nhưng mình tin sẽ có người tìm thấy sự nhẹ nhõm khi tìm đến lối sống tối giản, bao gồm cả mình. Nó giúp mình không phải quá lo lắng về khía cạnh vật chất. mình dần dần không cần quá nhiều điều trong cuộc sống, không có nhiều thứ có thể trói buộc mình. Mình có thể tiết kiệm tiền để làm những điều mình mong muốn. Mình có thể có khả năng chi trả cho những trải nghiệm mang lại niềm vui và sự trọn vẹn cho cho tâm hồn mình.

9. Nếu có thể, đừng đăng ký sử dụng các thẻ tín dụng trả trước, thẻ ưu đãi, thẻ tín dụng của các trung tâm mua sắm, nhãn hàng (ie. credit cards of all types)

Việc sử dụng thẻ tín dụng gây cho chúng ta một ảo tưởng rằng chúng ta đang có tiền để mua sắm hoặc làm điều gì đó, trong khi thật sự là chúng ta không có và nó chỉ là một hình thức ghi nợ mà thôi. Mình đồng ý thẻ credit có thể rất có ích trong những trường hợp khẩn cấp hoặc đặc biệt, mình cũng từng có thẻ ghi nợ hồi còn ở Mỹ và cũng từng tận dụng được nó. Tuy nhiên, mình cảm thấy trong đa số trường hợp, mình không thật sự cần đến chúng (và hiện tại mình cũng không dùng thẻ này). Ngoài ra, mình thấy có những người bạn của mình cứ bị nợ thẻ tín dụng lung tung từ vài trăm $ đến vài ngàn $, và gặp phải khó khăn chi trả chúng. Do đó, một trong những cách tốt để tránh bị nợ tiền tín dụng là không sử dụng loại thẻ này. 

Điều này quay ngược lại với bài học nhỏ số 6, nếu mình không có đủ khả năng chi trả, mình sẽ không mua, chứ không dùng thẻ tín dụng trả trước như một vị cứu tinh. 

10. Xây dựng thái độ nghiêm túc với tài chính (bao gồm tiền bạc, thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm… của bản thân) ngay từ lúc này 

Không cần phải đợi đến lúc thành gia lập thất, gây dựng sự nghiệp to lớn, hay phải 30 tuổi thì chúng ta mới nên có cái nhìn nghiêm túc với tài chính cá nhân. Xây dựng thói quen thu chi cẩn thận ngay từ bây giờ có thể giúp chúng ta rất nhiều điều trong tương lai, bao gồm việc tiết kiệm được một số tiền dù lớn dù nhỏ, nhận thức được thói quen và kiểu hình chi tiêu của bản thân, rèn luyện thói quen tiêu dùng đúng mực và có chủ đích, cũng như cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn về vấn đề tiền bạc của chính mình. Nghĩ như vậy, nên mình vẫn luôn cố gắng nghiêm túc với việc quản lý tài chính của mình, dù các bạn nhìn vào thì có thể thấy mình chỉ quanh quẩn chi tiêu cho đồ ăn và các hoá đơn hàng tháng, nhưng chính nó phần nào đã giúp mình có thể chi trả cho việc sinh sống và học tập ở nước ngoài, hoàn toàn bằng sức lực của bản thân mình.

Kết lại, chúng ta có thể đọc rất nhiều sách, học rất nhiều lớp, nghe bao nhiêu chương trình giảng về tài chính và tiền bạc để biết đến rất nhiều cách thức và bài học, nhưng điều quan trọng cốt lõi, theo mình, vẫn là việc chúng ta nghiêm túc với mỗi một khía cạnh nhỏ, mỗi một quyết định nhỏ trong đời sống tài chính cá nhân, từ đó mở rộng ra trong kinh doanh và đầu tư lớn nhỏ. Nếu không có khả năng quản lý tài chính cho chính mình, thì chắc chắn mình sẽ không đủ khả năng để quản lý tài chính cho việc kinh doanh, lập nghiệp, hoặc làm điều gì khác lớn hơn. 

Mọi người có suy nghĩ gì về quản lý tài chính cá nhân, cũng như có tips nào để chia sẻ với mọi người thì comment cho mình biết nhé. 

Keep hygge,

Hoại Băng 

Advertisement

11 thoughts on “10 bài học nhỏ bé về tài chính cá nhân”

  1. Cực kì nghiêm túc và giữ kĩ tiền bạc lên moi kế hoạch, cắt giảm mọi thứ không cần thiết, không làm thẻ gì khác ngoài thẻ ngân hàng và siêu thị để tài chính không bị thâm hụt. thế mà, cuối tháng vẫn bị lạm. Tiền mua sách cũng không đủ. *khóc ròng*

    Liked by 1 person

      1. Bị lạm phần tiền dành riêng cho mỗi tháng. Tớ đặt mục tiêu mỗi tháng phải tiết kiệm đc 2-3tr Vnđ, thế nhưng tháng nào cũng hk dư được đồng nào. Có tháng, tớ còn bị hụt cả tiền để mua sách. À, 2 3 tháng rồi tớ chưa mua đc cuốn sách nào luôn

        Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ kinh nghiệm, mình đã có thời kì rất khủng hoảng với việc tiêu tiền, cả năm mình chỉ đi làm để trả nợ T___T. Bây giờ thì mình có một giải pháp để chi tiêu hợp lý hơn, đó là mỗi tháng mình chỉ để lại tài khoản một số tiền đủ để tiêu xài bao gồm các nhu cầu cần thiết bao gồm các loại hóa đơn, mua thức ăn hàng ngày. Còn lại mình cho hết vào tài khoản tiết kiệm :). Dù mình mới thực hiện được khoảng 2,3 tháng và thường xuyên trong tình trạng đau khổ khi không có tiền vì nhìn cái gì cũng muốn mua, nhưng mình thấy khá hiệu quả với bản thân mình ^__^

      Liked by 1 person

      1. cảm ơn bạn đã chia sẻ nhé. cách này cũng tựa cách mình hay làm khi chừa ra một phần tiền tiết kiệm tuyệt đối không được đụng đến xD

        Like

  2. Số 9: em nghĩ vẫn nên dùng thẻ credit card để có credit score, sau này sẽ rất lợi trong việc vay mượn ngân hàng với các khoản lớn như xây nhà, mua xe, v.v. Tất nhiên vẫn nên tìm hiểu kĩ và sử dùng một cách thông minh :p

    Like

    1. chị chưa nghĩ đến khía cạnh đó kìa, chị từng dùng credit card để lấy store credit nhưng vì chị không mua gì nhiều nên nó cũng không giúp được gì. Nhưng nếu nó có lợi cho dự tính tương lai như em nói thì cũng hay ha. Cảm ơn em đã góp ý nhé <3

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s