
Một trong những ý niệm mà mình cố gắng để gìn giữ và theo đuổi trong cuộc sống là ý niệm về cuộc sống không rác thải (zero-waste). Đối với mình, đây là một lối sống thật sự cõ lẽ còn khó hơn việc mình ăn chay và sống tối giản, bởi vì có rất nhiều thứ mà chúng ta sử dụng hằng ngày đều được đóng gói bao bì hoặc đóng hộp. Suy nghĩ của bản thân mình về zero-waste không phải là chúng ta trở nên vô cùng khắt khe và làm khó bản thân mình, bằng việc không dùng cái này, không mua cái kia. Mà trên hết, mình trân trọng mỗi một nỗ lực nho nhỏ để cắt giảm rác thải chúng ta tạo ra trên Trái Đất này. Vì thế, những bài viết của mình luôn luôn hướng tới những thay đổi nhỏ, giúp chúng ta đến gần với cuộc sống zero-waste hơn trải dài trên nhiều bình diện của cuộc sống. Và dù mình chỉ giảm thiểu được 10% rác thải thôi, hay có thể lên đến 90%, tất cả đều là sự thay đổi có ý nghĩa lớn lao đối với môi trường.
Những ngày vừa qua mình hay có một số hội thoại về zero-waste và bảo vệ môi trường. Bạn của mình đang học lớp về môi trường nên mình cũng được chia sẻ một số tài liệu và thông tin. Nếu có thời gian, mình sẽ viết một bài cụ thể hơn, mang tính học thuật hơn về khái niệm zero-waste và những điều liên quan. Nhưng cho đến lúc đó, các bạn cùng mình xem thử có những thay đổi nho nhỏ nào chúng ta có thể làm để trở nên thân thiện với môi trường hơn nhé. Một số ý trong bài này mình đã từng đề cập trong bài viết giới thiệu về zero-waste và zero-waste ở Việt Nam, nhưng giờ mình cũng muốn điểm lại một chút để chúng ta cùng ghi nhớ và thực hành ha.
A. Ở siêu thị, chợ, nơi mua bán thức ăn:
- Tránh sử dụng túi nhựa, túi nilon khi đi mua sắm. Mình hay thường mang theo túi vải hoặc túi được tái chế từ chai nhựa (haha cái này là có thật) của mình khi mình đi siêu thị mua đồ ăn. Lúc ở siêu thị mình cũng không dùng bọc nilon để đựng các loại rau củ mình mua, mà mình để tất cả chúng và trong túi của mình thôi.
- Mình mang theo túi nilon mà mình có sẵn ở nhà để đựng một số rau củ mà được xịt nước (nhằm giữ độ tươi) trong siêu thị.
- Mang theo túi giấy hoặc sử dụng túi giấy để đựng những thứ mình mua theo bulk (nghĩa là mua theo số lượng tự chọn) như các loại hạt, gạo, đậu, yến mạch, mì ý…
- Nếu phải mua đồ được đóng góp, mình chỉ mua đồ được đựng trong lọ, hũ thuỷ tinh (để mình tái sử dụng) hoặc hộp giấy. Nếu bắt buộc phải dùng đồ nhựa, mình đảm bảo đó là đồ nhựa có thể tự phân huỷ sinh học (bio-degradeable), không có BPA. Đối với các hộp thiếc, hộp kim loại mình cũng sẽ đảm bảo chúng không có BPA.
- Lưu ý nhỏ về BPA: Có một số dẫn chứng cho thấy BPA chưa có nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường, nhưng nó có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh vật đại dương, cũng như vì lý do sức khoẻ chúng ta nên tránh xa BPA. BPA được tiết ra 55 lần nhanh hơn khi đựng thực phẩm nóng, và khi sử dụng trong lòng vi sóng, nên mọi người phải cẩn thận với vật có chứa BPA.
- Chỉ mua đủ thức ăn, tránh trường hợp mua quá nhiều thức ăn nhưng chúng ta không ăn hết.
- Cắt giảm sự tiêu thụ sản phẩm đến từ động vật. Ăn ít thịt và thuỷ hải sản. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những người theo đuổi lối sống zero-waste mà mình biết đều là người ăn chay. Và những người làm hoạt động bảo vệ môi trường mình biết đều có ý thức trong việc tiêu thụ sản phẩm động vật.
- Mình hay mua một số loại trái cây, rau củ nhìn không được đẹp lắm, như những trái chuối bị tách rời. Thường thì chúng sẽ không được người khác mua và kết cục sẽ bị đổ vào thùng rác. Thay vì để chúng bị lãng phí như vậy thì mình cứ mua về thôi, chẳng có vấn đề gì cả. : D
- Các bạn có thể xem một bộ phim tài liệu về lãng phí lương thực mà mình rất, rất thích: Just eat it.
B. Tại quán cà phê, quán nước, nhà hàng:
- Mình không sử dụng ly giấy, ly nhựa, đồ đựng thức ăn sử dụng một lần. Mình nhờ nhân viên đựng trà, thức uống của mình trong ly thuỷ tinh.
- Không sử dụng ống hút nhựa
- Mình mang theo ống hút và chai nước của mình nếu mình muốn sử dụng ống hút hoặc mua mang đi
- Mình cố gắng ăn hết đồ ăn thức uống mình đã gọi. Nếu còn dư quá nhiều mình sẽ xin hộp để gói mang về nhà, nhưng không lấy túi nilon của quán.
- Mình sẽ ăn tại quán hơn là mua thức ăn mang về. Nếu mình muốn mua mang về, mình sẽ mang hộp đựng thức ăn của mình theo. Không lấy nĩa, thìa… dùng một lần.
- Không sử dụng giấy ăn bừa bãi (hì, giấy ăn cũng từ cây mà ra, suprised! : D). Thường thì mình hay mang theo khăn tay của mình.
C. Tại nhà bếp:
- Tìm hiểu về việc bảo quản thực phẩm. Điều này tương đối quan trọng, vì mình rất, rất không muốn lãng phí thức ăn. Một số thực phẩm khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, nhưng mình sẽ làm mọi thứ dễ dàng cho bản thân hơn bằng cách xếp gọn gàng tất cả trái cây, rau củ của mình vào tủ lạnh (trừ chuối). Chỉ rửa chúng trước khi mình nấu hoặc ăn. Nếu có dầu ăn, các bạn nên để chúng vào tủ lạnh. Vì dầu ăn rất dễ bị biến đổi và phá huỷ, trở nên độc hại bởi sự tác động của ánh sáng, nhiệt độ, và không khí.
- Tận dụng ngăn đông. Một số trường hợp mình mua một số loại rau củ và thức ăn rồi mình để chúng vào ngăn đông. Đối với một số loại rau như bông cải xanh, bông cải trắng… mình thường rửa chúng sau khi mua về, cắt ra thành từng miếng nhỏ và để vào ngăn đông để ăn dần. Các loại trái cây như dâu tây, việt quất… mình cũng để vào ngăn đông. Bánh mì thì mình thường sẽ để vào ngăn đông nếu như mình không thể ăn hết chúng trước ngày hết hạn. Các bạn yên tâm việc đông lạnh thức ăn đa phần sẽ không ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thức ăn.
- Tận dụng toàn bộ thức ăn tưởng chừng không ăn được. Một số loại vỏ củ, cuống rau, chân nấm, kiểu mấy bộ phận rau củ quả mà chúng ta hay vứt đi khi sơ chế món ăn ấy… mình sẽ rửa sạch, rồi để chúng vào trong một cái hộp cất trong ngăn đông, khi chúng tương đối đầy thì mình sẽ đem ra hầm với gia vị để lấy nước canh. Nước canh này mình sẽ chia vào các lọ, cất trong tủ lạnh hoặc ngăn đá để dùng dần sau này, khi mình muốn nấu súp hoặc nấu gì đó cần nước canh.
- Học cách tự làm một số thứ cơ bản như sữa hạt, bơ đậu, mứt, nước sốt, mì sợi, kim chi, đồ chua, sữa chua… để tránh phải mua sản phẩm đóng gói. Mình đang nhắm một ngày nào đó mình sẽ học cách tự làm đậu hũ đây, haha.
- Đừng bỏ thức ăn thừa. Chúng ta có thể chế biến một chút để tạo ra một món mới. Nếu bạn cảm thấy không muốn ăn lại chúng trong một hai ngày tới, bỏ chúng vào ngăn đá.
- Tái sử dụng các loại hộp, hũ… để đựng đồ.
- Phân huỷ thức ăn thừa làm phân bón. Nếu bạn có trồng cây, thì việc sử dụng thức ăn thừa, giấy báo, bã cà phê và trà để làm phân bón cho cây là một điều rất tuyệt vời. Nó vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa đảm bảo chúng ta sẽ không lãng phí bất cứ thứ gì.
D. Sinh hoạt và đồ dùng cá nhân
- Tự làm một số sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da, dầu tẩy trang, dầu dưỡng, nước hoa hồng, kem khử mùi… từ các nguyên liệu tự nhiên và ít hoá chất nhân tạo. Trong tương lai sẽ chia sẻ với các bạn các sản phẩm mà mình tự làm hoặc sử dụng trong việc dưỡng da và hoạt động chăm sóc cá nhân của mình nhé.
- Nếu phải mua đồ cá nhân, mình sẽ mua đồ đựng trong đồ thuỷ tinh, chiết xuất tự nhiên, không kiểm nghiệm và có thành phần từ động vật.
- Lưu ý thành phần các chất tẩy rửa, nước rửa tay, xà phòng giặt… Chúng thường có rất nhiều hoá chất độc hại, cũng như có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Bản thân mình rất đơn giản, chỉ dùng một loại xà phòng castile hữu cơ (xà phòng làm từ dầu olive, nước, và kiềm, không mùi) mà mình có thể dùng thay cho sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa chén, bột giặt, nước rau chùi… Mình mua một chai bự về và phân chia ra (và pha chế chút xíu) để sử dụng cho nhiều việc khác nhau mà thôi. Các bạn cũng có thể sử dụng xà phòng cục tự nhiên hơn là xà phòng đóng chai.
- Bàn chải gỗ, bàn chải gỗ, và bàn chải gỗ.
- Sử dụng khăn để lau chùi hơn là sử dụng giấy ăn, khăn giấy.
- Tái sử dụng hộp, lon, chai để đựng đồ. Điều này giúp mình khỏi phải mua thêm hộp đựng đồ.
- Các bạn gái biết sao hem? Đã đến lúc chúng ta quay lưng lại với những loại băng vệ sinh sử dụng một lần (và vô cùng độc hại) đó để chuyển qua dùng cốc nguyệt san (menstrual cup) hoặc miếng thấm tái sử dụng (resuable cloth pad) rồi.
E. Sinh hoạt trong công việc và đồ văn phòng phẩm
- Sử dụng công nghệ và hạn chế sử dụng giấy. Nếu không bắt buộc, mình sẽ không in tài liệu ra giấy. Mình lưu giữ mọi thứ trong máy tính, cũng như tải lên các trang lưu trữ thông tin.
- Sử dụng bút chì kim. Đây có thể là suy nghĩ cá nhân thôi, nhưng mình nghĩ dùng bút chì kim khá là đỡ lãng phí vì mình đã sử dụng hai cây bút chì kim của mình đến tận hai năm rồi, và chỉ cần mua ruột bút chì mà thôi. Mà thật ra một cái hộp ruột bút chì nhỏ mình cũng chẳng biết mình dùng bao lâu mới hết nữa.
- Đọc ebook thay vì đọc sách giấy. Thật ra với một đứa với gần 500 quyển sách giấy tại nhà như mình thì nói câu này nghe có vẻ không hợp lý lắm. Nhưng thời gian gần đây mình gần như đã chuyển hẳn sang đọc ebook rồi. Mình đang cố gắng, hehe.
- Sử dụng ECOSIA.ORG. Đây là một mô hình tìm kiếm (tương tự như Google) nhưng với mỗi 45 lượt tìm kiếm của người dùng, ECOSIA sẽ trồng một cái cây. Điều này có nghĩa là với 45 lượt tìm kiếm bâng quơ trên mạng, chúng ta có thể giúp trồng một cái cây trên Trái Đất rồi. ECOSIA vô cùng minh bạch và cho phép chúng ta theo dõi công việc của họ. Các bạn có thể dễ dàng cài đạt ECOSIA làm trình duyệt tìm kiếm mặc định của mình đấy.
- Bảo quản đồ đạc cá nhân, đừng để mất chúng. Mình biết chúng ta hay bị mất bút và thước này nọ lắm. Các bạn cẩn thận nhé. ^^~
F. Trong đời sống tiêu thụ
- Cắt giảm tiêu thụ của bản thân là một điều hiển nhiên giúp chúng ta cắt giảm rác thải của mình và cả rác thải đến từ công nghiệp. Điều này vô cùng hoà hợp với một trong các giá trị của lối sống tối giản mà mình theo đuổi.
- Mua quần áo second-hand, hoặc hướng tới thời trang nhân đạo (ethical fashion). Mình cực kỳ ủng hộ việc mua sắm quần áo cũng như vật dụng second-hand, vì khi đó chúng ta đang tham gia vào hoạt động kinh tế xoay vòng, trong đó đồ vật được tái sử dụng và tận dụng đến mức tối đa. Thời trang nhân đạo thường được sản xuất bởi những công ty quan tâm đến môi trường, nguồn lao động, vận chuyển, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến con người và Trái Đất khác. Tránh xa thời trang nhanh, thời trang bình dân (fast-fashion) vì đây là một ngành công nghiệp ảnh hưởng khủng khiếp đến môi trường cũng như cuộc sống của những người dân lao động. Các cái tên quen thuộc trong fast-fashion bao gồm Zara, H&M, Forever 21. Các bạn có thể nghiên cứu thêm về fast-fashion qua bộ phim và website: The True Cost
- Ủng hộ kinh doanh và các mặt hàng địa phương. Các bạn có thể đọc một bài viết ngắn về ủng hộ địa phương của mình ở đây.
- Hạn chế mua sắm online một cách tối đa. Nó giúp giảm năng lượng tiêu thụ, khí thải từ vận tải, và tránh việc đóng gói không cần thiết.
- Mang túi của mình khi đi mua sắm.
- Ủng hộ các công ty, mô hình kinh doanh nhân đạo, thân thiện với môi trường và làm sản phẩm nguồn gốc tự nhiên. Mình có một danh sách các mô hình kinh doanh đó ở Việt Nam, để mình tổng hợp lại rồi chia sẻ với các bạn ha.
- Tránh xa các loại nước uống đóng chai, tốt cho môi trường, tốt cho sức khoẻ : P
G. Hành vi cá nhân
- Không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng chỗ.
- Phân loại và tái chế rác mỗi khi chúng ta có thể.
- Chạy & Nhặt
- Sử dụng phương tiện di chuyển công cộng. Đi bộ, đạp xe. Và đi chung xe với người khác.
- Trồng cây. Tự trồng rau củ quả.
- Tắt điện khi rời khỏi phòng, rút phích cắm ra khỏi ổ điện, sử dụng ít điện nhất mà bạn có thể. Nếu bạn dùng máy điều hoà nhiệt độ hoặc máy sửa, đảm bảo các cửa sổ và cửa phòng phải được đóng kín.
- Nói chuyện với mọi người về zero-waste và làm sao chúng ta có thể giảm thiểu rác thải đời sống của mình.
Tạm thời đó là những gì mà mình có thể nghĩ đến được liên quan đến lối sống zero-waste. Mình hi vọng các bạn sẽ không cảm thấy áp lực hoặc quá tải bởi dường như có rất nhiều việc mà chúng ta cần làm. Một lần nữa, mình tin rằng mỗi một thay đổi nhỏ đều có giá trị, và chúng ta cứ thế mà cố gắng thôi.
Có thay đổi nào mà các bạn có thể áp dụng ngay được, hoặc gặp phải khó khăn để áp dụng không? Chia sẻ cho mình biết nhé.
Keep hygge, and green.
Hoại Băng.
Hi Băng, hiện nay ở siêu thị hay các nhà sách đã bắt đầu dùng túi nilon sinh học tự hủy. Vậy những túi này có tốt cho môi trường không hay cũng chỉ dễ phân hủy hơn các túi nilon thông thường nhưng vẫn để lại gánh nặng cho môi trường?
LikeLiked by 1 person
Bạn ơi các túi sinh học tự hủy nó không tốt cho môi trường như bạn nghĩ đâu, bạn đọc thêm ở đây để hiểu kĩ thêm nha http://tobeafish.com/2017/12/01/is-biodegradable-good-or-bad/
LikeLiked by 2 people
Tình cờ dạo trên wp và đọc được bài viết này, thực sự nó đã thay đổi suy nghĩ của mình khá nhiều, bạn đã khiến mình phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về môi trường sống xung quanh mình, cảm ơn bạn rất nhiều về bài viết này!!
LikeLike
^^ Thật tốt vì nó có ích cho bạn
LikeLiked by 1 person
[…] https://theminihygge.com/2018/03/24/nhung-thay-doi-nho-de-den-gan-voi-cuoc-song-zero-waste/ […]
LikeLike
Reblogged this on Alubabu Alex.
LikeLike
Hi Băng,
Mình cũng rất vô tình đọc được một số bài viết của bạn. Thật sự cảm thấy có khá nhiều điểm chung về suy nghĩ với bạn. Đặc biệt trong bài viết này, mình thấy rất đúng với suy nghĩ của mình luôn ấy, mình cũng đã và đang thực hiện những điều trên (không được tất cả như Băng). Mình xin phép chia sẻ về blog của mình nhé, mình sẽ sửa đổi một chút nội dung cho đúng với những gì mình muốn nói nên hi vọng Băng không phiền nếu mình chia sẻ không đúng nguyên gốc nhé? Mong hồi âm và chúc Băng luôn thành công với những kế hoạch của mình nhé.
LikeLike
Bạn ơi bạn cứ chia sẻ nha. Xin lỗi vì reply chậm bạn nhé. hic hic
LikeLike
[…] Link gốc bài viết: Những thay đổi nhỏ để đến gần với cuộc sống zero-waste […]
LikeLike
Reblogged this on Hin Scooterist.
LikeLike
[…] làm việc này từ năm 2018, sau khi đọc được bài viết của Hoại Băng trên trang The Mini Hygge. Ecosia sử dụng 80% lợi nhuận trở lên từ doanh thu quảng cáo để hỗ trợ các […]
LikeLike