139 việc nhỏ để thân thiện với môi trường hơn một xíu

“If you really think the environment is less important than the economy. Try holding your breath while you count your money.” – Blaire Davis Magazine

Chào mọi người.

Mọi người đã có những ngày đầu năm như thế nào nhỉ? Có vô cùng rộn ràng và sẵn sàng để thực hiện những mục tiêu sắp đến? Hay có đang suy ngẫm về bản thân để hiểu thêm mình là ai và tìm kiếm những giá trị đặc biệt cho mình? Đối với mình, đây là một khoảng thời gian rất tốt đẹp để lên kế hoạch và tập trung làm việc cũng như thay đổi một số điều của bản thân.

Nhưng cũng trong khoảng thời gian này, có một sự việc đã xảy ra khiến mình rất đau lòng và xót xa: cháy rừng ở Úc. Đất, rừng, con người, động vật đều đã chìm trong biển lửa, ngọn lửa cháy tận sâu trong lòng đất và quá khó cho những đội cứu hộ để dập lửa. Dù cho lý do khiến rừng bị cháy là gì, thì bản thân mình tin rằng mỗi cá thể chúng ta đều có thể làm điều gì đó giúp bảo vệ môi trường, nhằm tránh sự việc đau lòng này có thể xảy ra trong tương lai.

Bài viết này của mình tổng hợp lại 139 việc nhỏ mà bất cứ ai trong chúng ta có thể lựa chọn để thực hiện phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình. Hãy cùng mình xem thử chúng ta có thể làm được gì nhé.

A. Ở siêu thị, chợ, nơi mua bán thức ăn

  1. Mang theo túi (hoặc tái sử dụng túi nilon) của mình đi chợ, mua thức ăn. Mang những loại túi to, túi nhỏ, bọc vải, bọc giấy khác nhau để đựng những đồ khác nhau.
  2. Chuẩn bị sẵn danh sách mua sắm, tránh trường hợp chúng ta mua nhiều hơn những vật cần thiết.
  3. Chọn mua những món hàng không được đóng gói, hoặc được đóng gói trong bình thuỷ tinh, hộp giấy.
  4. Mua vừa đủ lượng thức ăn cần thiết, không mua thừa.
  5. Tìm những nơi cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường.
  6. Tìm hiểu về hệ thống hàng hoá, sản phẩm địa phương. Tránh mua những thực phẩm được nhập từ nơi xa khác.
  7. Cắt giảm sự tiêu thụ sản phẩm đến từ động vật. Ăn ít thịt và thuỷ hải sản.
  8. Lựa mua một số loại trái cây, rau củ nhìn không được đẹp lắm, như những trái chuối bị tách rời. Thường thì chúng sẽ không được người khác mua và kết cục sẽ bị đổ vào thùng rác.
  9. Đi siêu thị lúc cuối ngày, để vừa có giá giảm vừa mua được một số món thực phẩm mà có thể sẽ bị bỏ vào ngày hôm sau.
  10. Mua theo số lượng sĩ và chia với bạn bè, người thân… để tránh các bao bì đóng gói sản phẩm riêng lẽ.

B. Tại quán cà phê, quán nước, nhà hàng:

  1. Không sử dụng bất cứ ly nhựa, ly giấy, hộp giấy, ống hút… dùng một lần.
  2. Nếu phải lựa chọn giữa ống hút nhựa và ống hút giấy, hãy sử dụng ống hút giấy. Tương tự với các dụng cụ khác.
  3. Mang theo ly, ống hút của mình nếu như mua nước mang về. Mang theo hộp đựng thức ăn của mình khi mua đồ ăn mang về.
  4. Mang theo ly của mình nếu quán ăn không có ly tái sử dụng.
  5. Một số nhàng hàng sử dụng đũa tre dùng một lần, chúng ta có thể mang theo đũa của mình để tránh dùng đũa tre.
  6. Ăn hết thức ăn của mình. Gọi đồ vừa phải.
  7. Nếu không ăn hết thức ăn, chúng ta có thể mang theo hộp sẵn để mang thức ăn về.
  8. Sử dụng khăn tay thay vì khăn giấy. Dùng khăn giấy tiết kiệm.
  9. Hạn chế sử dụng thêm dụng cụ ăn uống (chén đĩa) của nhà hàng để giảm thiểu việc chùi rửa (tiết kiệm nước và sản phẩm tẩy rửa)
  10. Hãy tìm kiếm các lựa chọn ăn uống, địa điểm ăn uống có món chay và thân thiện với môi trường.

C. Tại nhà bếp

  1. Tìm hiểu về việc bảo quản thực phẩm. Điều này tương đối quan trọng, vì chúng ta không muốn lãng phí thức ăn. Một số thực phẩm khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau.
  2. Tận dụng ngăn đông để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Đóng mở cửa tủ lạnh nhanh chóng. Thường xuyên lau chùi và giữ vệ sinh tủ lạnh. 
  3. Tận dụng toàn bộ thức ăn tưởng chừng không ăn được. Một số loại vỏ củ, cuống rau, chân nấm, kiểu mấy bộ phận rau củ quả mà chúng ta hay vứt đi khi sơ chế món ăn có thể được rửa sạch và đem hầm làm nước dùng rau quả.
  4. Học cách tự làm một số thứ cơ bản như sữa hạt, bơ đậu, mứt, nước sốt, mì sợi, kim chi, đồ chua, sữa chua… để tránh phải mua sản phẩm đóng gói.
  5. Đừng bỏ thức ăn thừa. Chúng ta có thể tạo ra món mới từ thức ăn thừa hoặc cất trong ngăn đông để ăn vào một hôm khác. Cơm nguội hôm nay có thể làm cơm chiên vào ngày mai.
  6. Tái sử dụng các loại hộp gỗ, hũ thuỷ tinh… để đựng đồ. Tránh sử dụng đồ nhựa trong nhà bếp.
  7. Sử dụng các món đồ nhà bếp có nhiều công năng: như một cái chảo gang, sắt đủ bự để có thể chiên xào, nhưng cũng có thể dùng nấu canh.
  8. Không sử dụng chảo chống dính. Thường mọi người hay bỏ chảo một khi lớp chống dính không còn. Đồng thời lớp chống dính đó không tốt cho sức khoẻ chúng ta.
  9. Ăn nhiều thức ăn không cần phải chế biến, hoặc chỉ cần chế biến sơ để tiết kiệm điện, gas. Các món được gọi là thức ăn sống (raw food) cũng có rất nhiều tác động tốt để sức khoẻ chúng ta.
  10. Trồng một số loại rau, củ gia vị đơn giản để ăn (như hành, quế, chanh…).
  11. Sử dụng trà dạng bột, hoặc lá trà thay vì là trà túi lọc.
  12. Làm thức uống (trà sữa, nước trái cây, trà…) tại nhà.
  13. Phân huỷ thức ăn thừa làm phân bón. Nếu bạn có trồng cây thì có thể sử dụng thức ăn thừa, giấy báo, bã cà phê và trà để làm phân bón cho cây.
  14. Không dùng màng bọc thực phẩm vì nó có hại cho môi trường và không tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Hiện tại đã có các loại giấy sáp ong hoặc giấy bọc thực phẩm mà bạn có thể thay thế.
  15. Không tráng chén dĩa trước khi cho vào máy rửa chén.
  16. Hãy cố gắng dồn đầy máy rửa chén trước khi dùng máy.
  17. Nếu chén bát quá ít, chúng ta có thể rửa bằng tay.
  18. Sử dụng quần áo cũ, khăn cũ để lau chùi.
  19. Nấu ăn tại nhà thay vì ra ngoài hàng ăn
  20. Giữ gìn và bảo quản các vật dụng của mình. Nấu ăn với một cách có tập trung và chủ đích, tránh làm hỏng thức ăn.

D. Vệ sinh nhà cửa và không gian sống

  1. Sử dụng túi nilon có thể phân huỷ để đựng rác.
  2. Phân loại và tái chế rác mỗi khi chúng ta có thể.
  3. Sử dụng khăn để lau chùi, dùng những sản phẩm lau chùi không độc hại và đơn giản.
  4. Tránh sử dụng các loại giấy lau chùi diệt khuẩn dùng một lần
  5. Tự làm sản phẩm tẩy rửa bằng xà phòng castile, tinh dầu, dấm
  6. Mua sản phẩm vệ sinh với số lượng lớn và chia sẻ với mọi người
  7. Tái sử dụng những túi nilon lỡ mang về nhà để đựng rác
  8. Dùng xà phòng giặt tự nhiên, không kiểm nghiệm trên động vật, không độc hại
  9. Giặt áo quần bằng nước lạnh
  10. Giữ quần áo sạch để có thể nới rộng thời gian giặt đồ. Gom đủ và đầy đồ giặt trước khi đi giặt.
  11. Sử dụng nước làm mềm vải, dùng bóng len sấy thơm thay vì giấy thơm.
  12. Hạn chế sử dụng khăn giấy và giấy ướt.
  13. Lựa chọn dùng khăn giấy ướt trẻ em tự phân huỷ.
  14. Trồng cây xanh trong nhà.
  15. Tối giản trong nội thất và trang trí nhà cửa
  16. Trồng cây xanh ngoài nhà, làm vườn trên ban công, mái nhà.
  17. Tươi cây vào buổi chiều hoặc sáng sớm để tránh nước bay hơi vào ban trưa
  18. Tắt toàn bộ điện và các thiết bị khi ra khỏi phòng/nhà, trước khi đi ngủ. Nếu bạn dùng máy điều hoà nhiệt độ hoặc máy sưởi, đảm bảo các cửa sổ và cửa phòng phải được đóng kín.
  19. Rút ổ điện ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng
  20. Tắt máy tính trước khi đi ngủ
  21. Sử dụng quạt thay vì máy lạnh
  22. Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện
  23. Nhà có cửa sổ có thể đóng/ mở dễ dàng và có thể cách điện
  24. Sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời
  25. Sử dụng hệ thống lọc nước cho toàn bộ hệ thống nước trong nhà
  26. Sử dụng hệ thống đèn đặt giờ để tránh quên tắt đèn, hoặc đèn cảm ứng
  27. Khoá van lò sưởi khi không sử dụng
  28. Phơi quần áo thay vì dùng máy sấy nếu có thể
  29. Chỉ sử dụng nước nóng/ấm khi cần thiết
  30. Tắt tivi khi không sử dụng, không mờ tivi hay máy tính ở chế độ màn hình chờ

E. Sinh hoạt cá nhân

  1. Tự làm một số sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da, dầu tẩy trang, dầu dưỡng, nước hoa hồng, kem khử mùi… từ các nguyên liệu tự nhiên và ít hoá chất nhân tạo.
  2. Nếu phải mua đồ cá nhân, hướng tới mua sản phẩm hand-made, đựng trong đồ thuỷ tinh hoặc nhựa có thể phân huỷ hoặc tái chế, chiết xuất tự nhiên, không kiểm nghiệm và có thành phần từ động vật.
  3. Sử dụng sản phẩm KHÔNG kiểm nghiệm và có thành phần từ động vật, một lần nữa.
  4. Tắm nước lạnh
  5. Sử dụng rèm tắm bằng vải, tre thay vì rèm nhựa
  6. Có thể xây dựng phòng tắm không dùng rèm tắm
  7. Hạn chế tắm bồn
  8. Sử dụng bàn chải gỗ hoặc máy đánh răng.
  9. Tái sử dụng hộp, hũ, chai để đựng đồ.
  10. Tối giản trong sản phẩm chăm sóc cá nhân và trang điểm.
  11. Sử dụng cốc nguyệt san hoặc miếng thấm tái sử dụng thay vì dùng băng vệ sinh xài một lần và tampon.
  12. Sử dụng nhà vệ sinh có hai chế độ gạt: gạt ít và gạt nhiều nước.
  13. Tắt nước khi đang đánh răng, rửa mặt, lau dọn.
  14. Sử dụng miếng vải tẩy trang thay vì dùng bông tẩy trang xài một lần.
  15. Sử dụng bông váy tay bằng tre thay vì nhựa.
  16. Dùng sản phẩm bông cotton hữu cơ.
  17. Dùng dao cạo (và cả dao cạo chân mày) kim loại, máy cạo lông thay vì dùng dao cạo nhựa. Nên dùng loại có chức năng thay lưỡi dao.
  18. Sử dụng móc quần áo gỗ hoặc inox thay vì dùng móc nhựa.
  19. Dùng máy xông tinh dầu thay vì đốt nến
  20. Ghi lại ngày mở/khui sản phẩm, dùng sản phẩm hết trước ngày hết hạn.
  21. Bảo quản mỹ phẩm, mặt nạ trong tủ lạnh.
  22. Dùng mặt nạ hũ thay vì mặt nạ giấy
  23. Từ chối nhận các sản phẩm size mini, deluxe hay hàng dùng thử.
  24. Am hiểu các sản phẩm phù hợp với mình.
  25. Tặng cho người khác những sản phẩm không phù hợp với mình.
  26. Dùng hết sản phẩm cũ trước khi mua sản phẩm mới
  27.  Dùng dầu dừa làm nước súc miệng vào buổi sáng thay vì dùng các loại bán trên thị trường.
  28. Sử dụng xà phòng không có bao bì, dùng kem đánh răng dạng viên nén, dùng chỉ nha khoa phân huỷ được đựng trong hũ thuỷ tinh.
  29. Dùng lược gỗ
  30. Không gội đầu hằng ngày.

F. Sinh hoạt thường nhật, công việc và giải trí 

  1. Hạn chế sử dụng giấy. Lưu trữ thông tin trong máy tính và tải lên các trang lưu trữ thông tin.
  2. Nếu không bắt buộc, không in nội dung ra giấy.
  3. Sử dụng bút chì kim, bút máy có thể bơm mực, bút có thể thay ruột.
  4. Đọc ebook thay vì sách giấy. Mượn sách thư viện thay vì mua sách. Mua sách cũ thay vì mua sách mới.
  5. Sử dụng ECOSIA.ORG. Đây là một mô hình tìm kiếm (tương tự như Google) nhưng với mỗi 45 lượt tìm kiếm của người dùng, ECOSIA sẽ trồng một cái cây.
  6. Giảm lượng thư giấy.
  7. Không đăng ký theo dõi báo, tạp chí, và các quảng cáo qua thư giấy.
  8. Gói quà bằng vải, lụa, giấy báo, hoặc giấy gói từ lần trước. Bóc quà cẩn thận để giữ giấy gói quà tái sử dụng.
  9. Sử dụng phần thừa của giấy gói quà để làm nơ, ruy băng.
  10. Hạn chế để mất đồ, xác định rõ vị trí của đồ đạc.
  11. Tìm địa điểm nhận thu tái chế pin.
  12. Tái sử dụng đồ đạc đã bị hư (tháo lắp, handmade đồ trang trí, lấy linh kiện…)
  13. Đi xem phim hạn chế mua nước trong chai hoặc các ly nhựa.
  14. Cầm túi của mình khi đi mua thuốc.
  15. Đạp xe đạp
  16. Cho những ai nuôi mèo: dùng cát mèo đậu nành hoặc gỗ. Làm đồ chơi cho mèo từ các thùng các tông cũ.
  17. Cho phụ huynh: dùng bỉm trẻ em có thể phân huỷ, hạn chế thời gian xem tivi và máy tính bảng của các bé, mua những món đồ chơi bền để bé có thể chơi được lâu. Quyên tặng áo quần trẻ em cũ. Hạn chế cho các bé ăn snack, bim bim mua ngoài đường. Tự làm các món bánh cho các bé ăn.
  18. Kiểm tra và bảo hành phương tiện di chuyển thường xuyên.
  19. Lái xe cẩn thận, tuân thủ luật giao thông.
  20. Chọn thanh toán điện tử và yêu cầu không in hoá đơn.
  21. Không nổ máy xe mà không chạy.
  22. Để sẵn khăn lau, bình nước trên xe ô tô.
  23. Tập trung di chuyển đến đích, không lòng vòng la cà.
  24. Đi xe taxi, grab, uber chung với những bạn khác.
  25. Uống bia chai thay vì uống bia lon. Hạn chế sử dụng bóng cười. 
  26. Tham gia trồng cây trong cộng đồng chúng ta đang sống. Tìm hiểu về những điều chúng ta có thể làm để bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta. Tham gia dọn rác ở trong khu vực của mình, hoặc trong các dự án làm sạch môi trường.
  27. Nói chuyện với mọi người về zero-waste và làm sao chúng ta có thể giảm thiểu rác thải đời sống của mình.
  28. Đổ rác đúng nơi quy định khi ra ngoài.
  29. Tổ chức các sự kiện, dịp, lễ thành với việc ít sử dụng bong bóng, đồ nhựa, đồ dùng một lần. Trang trí tối giản, nhẹ nhàng. 
  30. Khi làm tiệc, sử dụng dụng cụ ăn uống sẵn có trong nhà thay vì dùng chén, dĩa, cốc sử dụng một lần 

G. Trong đời sống tiêu thụ

  1. Cắt giảm tiêu thụ của bản thân là một điều hiển nhiên giúp chúng ta cắt giảm rác thải của mình và cả rác thải đến từ công nghiệp.
  2. Mua quần áo second-hand, hoặc hướng tới thời trang nhân đạo (ethical fashion), vì khi đó chúng ta đang tham gia vào hoạt động kinh tế xoay vòng, trong đó đồ vật được tái sử dụng và tận dụng đến mức tối đa. Thời trang nhân đạo thường được sản xuất bởi những công ty quan tâm đến môi trường, nguồn lao động, vận chuyển, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến con người, động vật và Trái Đất khác. Tránh xa thời trang nhanh, thời trang bình dân (fast-fashion) vì đây là một ngành công nghiệp ảnh hưởng khủng khiếp đến môi trường cũng như cuộc sống của những người dân lao động.
  3. Ủng hộ kinh doanh và các mặt hàng địa phương. Ủng hộ các công ty, mô hình kinh doanh nhân đạo, thân thiện với môi trường và làm sản phẩm nguồn gốc tự nhiên.
  4. Hạn chế mua sắm online một cách tối đa. Nó giúp giảm năng lượng tiêu thụ, khí thải từ vận tải, và tránh việc đóng gói không cần thiết. Nhắn tin tới những bạn mua đồ online hãy bọc hàng hoá đơn giản và tránh sử dụng nilon. 
  5. Tránh xa các loại nước uống đóng chai, mì ăn liền, snack đóng gói. 
  6. Quyên tặng, bán lại những món đồ mình không dùng. 
  7. Tối giản vật chất, và không chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng.
  8. Hướng tới mua những vật dụng chất lượng, xài bền, và mang lại nhiều giá trị cho chúng ta. 
  9. Du lịch với ý thức bảo vệ môi trường và tài sản của nơi chúng ta sắp đến thăm.

Vậy đó là tất cả 139 tips mình có để dành cho mọi người cùng tham khảo. Nếu các bạn có thêm tips nào thì chia sẻ với mình để mình bổ sung vào danh sách nhé. 

Hãy cùng nhau làm gì đó nhỏ vì môi trường.

Keep hygge, and green.

Hoại Băng

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s