“the only people who get upset about you setting boundaries are the one who were benefiting from you having none” – unknow
Chào mọi người,
Năm mới đã qua được một tuần rồi, và bây giờ Băng mới ngoi lên trò chuyện với mọi người đây. Những ngày vừa qua mình đã tập trung cho việc chào đón năm mới với những kỷ niệm đẹp, cũng như thiết lập một hệ thống rõ ràng và cụ thể cho bản thân trong năm mới, từ đó mình mong rằng những mục tiêu của năm nay sẽ được trở thành sự thật.
Trước khi chia sẻ về những gì mình muốn nói hôm nay, thì mình mong rằng những người bạn, người đọc của mình và blog theminihygge này sẽ có một năm mới thật ngọt ngào và đẹp đẽ, cũng như các bạn sẽ luôn khoẻ mạnh và có nhiều trải nghiệm thật đáng nhớ trong năm mới nhé.
Đầu năm nay thay vì nói về những mục tiêu, resolutions như những năm trước, mình lại muốn chia sẻ về một chủ đề mà mình đã muốn viết từ rất lâu trước đây, từ tận năm 2018 lận, nhưng đến bây giờ mình mới có thể thật sự viết về nó. Chắc hẳn các bạn cũng đã nghe về khái niệm ranh giới (boundaries) nhưng có thể nhiều bạn vẫn đang thắc mắc về việc ranh giới là gì và tại sao chúng ta lại cần xây dựng ranh giới cho bản thân mình.
Thế thì hôm nay, với những điều mình trải nghiệm và học được, mình mong sẽ mang đến cho các bạn một cách nhìn thật cụ thể và rõ ràng về ranh giới, và tại sao, cũng như làm cách nào chúng ta có thể xây dựng được một ranh giới vững chắc cho mình.
- Ranh giới là gì?
Theo Mettapsych, ranh giới cá nhân định dạng giới hạn của chúng ta. Nó xây dựng một khoảng không gian mà ở nơi đó chúng ta có thể cảm nhận, hành xử, và được thoải mái là chính mình. Ranh giới cung cấp những thông tin quan trọng cho chúng ta khi ta phải đưa ra những quyết định về việc phải thể hiện bản thân như thế nào với sự liêm chính và tôn trọng đối với người khác. Nói một cách dễ hiểu hơn, ranh giới là những giới hạn, những nguyên tắc chúng ta xây dựng nên để áp dụng với bản thân và với cả người khác, để khi đó chúng ta có thể cảm thấy thoải mái và được làm chính mình. Những ranh giới ấy sẽ giới hạn phạm vi hành xử của người khác đối với chúng ta, và cả hành xử của chúng ta đối với bản thân mình.
Ví dụ đơn giản: Mình rất thích giao tiếp và đi chơi với những người mình yêu quý, nhưng thời gian ngày chủ nhật là ngày mình luôn ở một mình để “sạc” pin bản thân, thế cho nên mình xây dựng một ranh giới rằng “không ai có thể làm phiền ngày chủ nhật đó của mình cũng như bản thân mình sẽ giải quyết những việc khác để đảm bảo ngày chủ nhật quan trọng của mình sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyện gì.” Những người xung quanh mình sẽ không rủ mình đi chơi và chủ nhật, và mình cũng sẽ không làm bất cứ chuyện gì liên quan đến công việc vào ngày chủ nhật.
2. Khía cạnh nào của cuộc sống chúng ta cần có ranh giới?
Mình thật lòng muốn nói rằng hầu hết tất cả các khía cạnh cuộc sống của mình đều có (và cần có) ranh giới cả? Công việc, tình cảm, gia đình, phát triển cá nhân, mối quan hệ, sự sở hữu vật chất, thời gian, sức khoẻ thể lý và tâm lý… đều được mình xác định rõ những ranh giới mà mình cần phải có. Nhưng nếu các bạn cảm thấy mơ hồ trong việc xác định ranh giới, thì mình recommend là có hai khía cạnh mà mình nghĩ việc thiết lập ranh giới là rất quan trọng: công việc, và mối quan hệ cá nhân.
A. Công việc:
Đối với bản thân mình, mình có một số ranh giới quan trọng mà mình đã xây dựng cho bản thân, ví dụ như: hai ngày cuối tuần mình sẽ không trả lời bất cứ email nào cũng như xử lý công việc hành chính (trường hợp ngoại lệ liên quan đến việc khẩn cấp), thời gian mình cần tập trung xử lý công việc thì những xao nhãng bên ngoài không được phép làm ảnh hưởng đến mình, chuyện tình cảm cá nhân và các mối quan hệ của mình không được làm ảnh hưởng đến công việc và lợi ích chung của công ty… Đó là các ranh giới cơ bản của mình trong những việc liên quan đến công việc và đời sống professional của mình.
B. Mối quan hệ:
Ranh giới trong các mối quan hệ là RẤT QUAN TRỌNG, nếu như mình không muốn nói là quan trọng nhất. Vì điều này sẽ đảm bảo cho sự an toàn tâm lý (psychological safety), bình ổn mối quan hệ, tôn trọng đời sống cá nhân, và giữ cho mối quan hệ của chúng ta được lành mạnh (healthy) nhất. Mỗi một kiểu hình mối quan hệ của mình sẽ có những set ranh giới khác nhau. Ví dụ như trong mối quan hệ tình cảm của mình thì mình sẽ trao đổi thẳng thắn với partner của mình về những giới hạn mà ảnh không nên phá vỡ, cũng như những điều mình không thích, hoặc trông đợi trong mối quan hệ giữa hai đứa. Mình cũng khuyến khích các bạn trao đổi thẳng thắn và cởi mở với người yêu/partner của mình về những ranh giới mà bạn có để đảm bảo hai bạn hiểu được nhau và không phá vỡ ranh giới của nhau. Mối quan hệ bạn bè thì ranh giới của mình có thể dễ chịu và ít hơn so với mối quan hệ tình cảm.
Ví dụ: Ranh giới đơn giản của mình trong mối quan hệ tình cảm đó là 1/tuyệt đối không được im lặng biến mất khi hai đứa đang có vấn đề tranh cãi, và 2/không được ném đồ vào người mình (dù là đang giỡn và chỉ đang ném một cái khăn tay). Vì mình đã trao đổi thẳng thắn nên khi partner của mình có lỡ ném khăn vào người mình khi đang giỡn thì bạn ấy cũng sẽ nhận ra lỗi ngay lập tức và sẽ xin lỗi mình liền. Đây là những ranh giới mà mình có, riêng đối với mình, còn bạn cũng sẽ có những ranh giới phù hợp với bản thân (như không sử dụng bạo lực, không được lớn tiếng…) để áp dụng vào mối quan hệ của chính mình.
3. Tại sao phải xây dựng ranh giới cho bản thân?
Như mình đã viết ở trên, ranh giới sẽ giúp bạn có được sự an toàn tâm lý (psychological safety). Đây là cảm giác an toàn mà bạn biết rằng mình đã có những ranh giới vững chắc để tạo nên vùng an toàn cho bản thân (tâm lý và thể xác) để bạn có thể sinh hoạt lành mạnh và vui vẻ. Hơn hơn, các ranh giới ấy cũng chính là lời hứa mà bạn dành cho bản thân bạn, rằng chính bạn cũng phải tôn trọng ranh giới của chính mình (như không để chuyện của người khác làm bạn thấy bất ổn, không cho phép người khác nói xấu gia đình hoặc người yêu của bạn, luôn luôn đúng giờ hoặc chỉnh chu trong công việc, khóc không phải là yếu đuối). Ranh giới sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn vì bạn biết đâu là điểm dừng cho những hành vi ứng xử của người khác và của cả chính bạn.
Ngoài ra, việc thiết lập một ranh giới ấy sẽ giúp bạn không phải so sánh mình với người khác, hoặc để tâm đến sự phán xét của người đời. Vì bạn hiểu rõ những ranh giới ấy là những điều khiến bạn hạnh phúc, an toàn, và khoẻ mạnh, và sự phán xét của người khác đều nằm ngoài sự ranh giới cho phép của bạn. Hơn thế nữa, ranh giới cũng chính là những lời ám thị tích cực mà bạn dành cho tâm trí của mình, cho phép bạn được sống là chính mình cũng như không cho phép người khác tổn thương đến cuộc sống của bạn.
Ở một khía cạnh khác, ranh giới sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những người muốn vượt qua ranh giới và tổn thương, hoặc thậm chí bạo hành bạn. Bạn sẽ nhận ra đâu là những người thật sự tôn trọng và muốn những điều tốt với bạn. Bạn cũng sẽ dần xác định được đâu là những nguyên tắc bạn muốn áp dụng trong đời sống, đâu là những điều mà bạn có thể chịu đựng (hoặc trải nghiệm) được, và đâu là những điều sẽ không được phép có mặt trong cuộc sống của bạn.
Nói ngắn gọn, xây dựng một set ranh giới lành mạnh (healthy boundaries) sẽ giúp bạn “dễ thở và đỡ tức” hơn trong cuộc sống, cũng như tránh bị những người khác xoay vòng và làm bạn “hoang mang giữa dòng đời này”. : )
4. Ranh giới không lành mạnh có biểu hiện như thế nào?
Ranh giới không lành mạnh là set ranh giới mà bạn đặt ra cho bản thân nhưng lại tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực: ranh giới quá khắc nghiệt đối với bạn và người khác, ranh giới ấy làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và công việc của bạn, ranh giới ấy làm bạn phụ thuộc vào người khác quá nhiều và không có thời gian dành cho bản thân, hoặc ranh giới của bạn lại tạo cơ hội cho người khác làm tổn thương bạn nhiều hơn nữa… Và rất nhiều những hệ luỵ khác. Mình nghĩ rằng xác định ranh giới lành mạnh sẽ mang đến cho bạn sự cân bằng cảm xúc cũng như rất nhiều cảm giác tốt đẹp khác. Vì vậy bạn hãy liên tục quán sát cảm xúc và tình trạng của bản thân nhé.
5. Làm thế nào để xây dựng ranh giới vững chắc cho chính mình?
Một năm mới đã đến và mình nghĩ đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta thiết lập ranh giới cho bản thân. Vậy thì phải bắt đầu tư đâu nhỉ?
Gợi ý của mình là bạn hãy liệt kê những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống mình, và từng bước đặt ra những ranh giới nhỏ trong những khía cạnh ấy. Sau đây là bảng ví dụ mang tính định hướng cho bạn:
Khía cạnh | Ranh giới |
Cảm xúc | Mình sẽ ổn khi nói về chủ đề nào và không ổn khi nói về chủ đề nào? (PTSD sẽ ổn nhưng Rape Joke thì không)
Ai là người có thể làm mình vui/buồn nhiều nhất? Và những nỗi buồn nào là lành mạnh cho mình? |
Công việc | Mình sẽ làm việc vào khoảng thời gian nào và không làm việc vào thời gian nào?
Một tuần mình dành ra bao nhiêu thời gian để làm việc? Ai là người có thể nói chuyện về công việc với mình? |
Thời gian và năng lượng | Quan niệm về việc đi trễ/đúng giờ của mình như thế nào? Người khác được phép đi trễ/làm mất thời gian của mình như thế nào?
Mình dành bao nhiêu thời gian một tuần cho người khác/hẹn hò/giúp đỡ người khác? |
Thể lý và không gian | Người khác được phép tiếp xúc và đứng gần mình như thế nào? Bắt tay, ôm, hôn như thế nào?
Người khác được phép/không được phép nhận xét mình như thế nào? Mình chấp nhận body-shaming và body-commenting như thế nào? |
Mình mong là thông quan bảng trên bạn sẽ hiểu rõ hơn về việc bắt đầu xây dựng ranh giới cho bản thân mình như thế nào.
6. Ranh giới có thể thay đổi theo thời gian.
Một điều mà chúng ta cần nhìn nhận đó là ranh giới có thể thay đổi theo thời gian, không gian, và thậm chí thay đổi theo những sự kiện cuộc đời mà chúng ta đã trải qua. Trước đây mình không thích trò chuyện với nhiều người nhưng bây giờ mình đã muốn dành nhiều thời gian hơn với người khác. Như thế ranh giới của mình đã thay đổi rồi. Và điều đó là hoàn toàn bình thường. Cho nên, nếu như bạn cảm thấy ranh giới trước đây của mình đã không còn vững vàng và có xu hướng thay đổi, hãy lắng nghe bản thân và chấp nhận sự thay đổi đó nếu như bạn tin rằng đó là điều có ích và đúng đắn cho bạn, bạn nhé.
Kết lại, mình tin rằng 2021 sẽ mang lại rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho mỗi một chúng ta, nhưng trên hành trình trải nghiệm đẹp đẽ ấy, chúng ta cũng sẽ đi qua nhiều điều mất mát hoặc không mấy dễ chịu. Vì vậy, trước khi đặt chân lên hành trình trước mặt, mình mong mỗi người bạn yêu quý của mình sẽ dành cho bản thân một ít thời gian, để thiết lập những ranh giới cần thiết cho chính mình, để được an toàn, và mạnh mẽ bảo vệ chính mình, các bạn nhé.
Một năm yên vui nè~
Keep hygge,
Hoại Băng.
Bài chất như nước cất ấy
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn cậu nè 😍
LikeLike
Đó đến giờ, mình không rõ ràng về việc xác lập nhưng ranh giới nên nhiều khi mọi chuyện của mình rối tung lên, các kía cạnh cuộc sống va nhau loảng choảng. Người thương buồn mình cũng nhiều và chính mình cũng bị mệt. Cảm ơn bài viết của bạn. ❤❤❤
LikeLiked by 1 person
Mình nghĩ xây dựng ranh giới sẽ giúp chúng ta rõ ràng được rất nhiều chuyện ấy, cũng nhẹ đầu hơn. Mong bạn cảm thấy thoải mái nhé <3
LikeLiked by 1 person
Tình cờ biết được trang của bạn trong lúc digging, thấy góc nhìn bạn vừa dth vừa sâu nữa. Mình mong sẽ được đọc thêm nhiều bài viết mới của bạn lắm đó.
LikeLike
Cảm ơn bạn nhiều^^~
LikeLike
Tên cậu là Hoại Băng, đọc ngược lại là băng hoại 😂 Thú vị phết.
Nói về ranh giới thì cậu đọc chuyện ranh giới chưa, chuyện ý cũng bt nhưng tự nhiên mình nhớ đến thôi😂
LikeLike
Mình chưa đọc bạn ơi, truyện ấy viết về gì ạ?
LikeLike