Động lực có thật sự quan trọng vậy không? Giải đáp bài toán về động lực.

Một trong những vấn đề mà mình hay tìm kiếm trên mạng, research ở khắp mọi nơi đó là câu hỏi về động lực. Trước đây mình luôn tìm kiếm động lực cho bản thân, để làm việc này việc kia, để cố gắng hơn, để không còn biếng nhác nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu về cách động lực hoạt động đối với con người, cũng như biết thêm cách mà những người sống năng động và hiệu quả làm việc, mình bắt đầu đặt câu hỏi về vai trò của động lực trong cuộc sống. Mình không thể phụ nhận động lực là một yếu tố cần thiết cho mỗi người, để có thể phát triển bản thân và theo đuổi con đường mình mong muốn. Tuy nhiên, với tình trạng rất nhiều bạn, kể cả chính mình không thể làm được bất cứ điều gì chỉ vì lí do không có động lực, mình hiểu rằng việc dựa vào động lực để phát triển con người hoàn toàn là một điều bất khả thi, thậm chí là phản tác dụng.

Vậy thì hôm nay, mọi người hãy cùng với mình tìm hiểu xem động lực là gì, và vai trò của nó quan trọng như thế nào nhé.

  1. Định nghĩa

Theo từ điển Oxford: động lực có nghĩa là 1) một hay nhiều lý do để con người hành động theo một phương hướng nhất định và 2) khát khao hoặc sự sẵn lòng để làm một điều gì đó với lòng nhiệt huyết.

Dựa vào định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy động lực như là lý do khởi điểm để chúng ta hành động. Ví dụ như chúng ta muốn học tốt để có thể vào được trường đại học tốt, hoặc làm việc nhiều để có tiền sinh sống. Dựa vào tính chất của các loại lý do đó, động lực của con người có thể được chia làm hai loại: Động lực nội tại và động lực ngoại tại.

Source: Social Psychology, author: David Meyer

Động lực ngoại tại, hay động lực đến từ bên ngoài xuất phát từ những yêu tố bên ngoài như: thu nhập, thành tích, áp lực, sự động viên từ người khác, và cả những phần thưởng đến từ bên ngoài. Trong hình trên đưa ra ví dụ về động lực ngoại tại là: “Tôi làm việc này vì tôi được trả tiền.”

Ngược lại, động lực nội tại xuất phát từ chính bên trong mỗi người, mà không đi kèm với những phần thưởng đến từ bên ngoài. Ví dụ trong hình trên là: “Tôi làm việc này bởi vì tôi thích.”

Nghiên cứu tâm lý học cho thấy, động lực nội tại và ngoại tại đều quan trọng trong việc thực hiện hành động của cá nhân nào đó. Tuy nhiên, xét về phương diện lâu dài, chính động lực nội tại mới tạo ra sức mạnh và sự nỗ lực bền bỉ nhất.

(Trong hình trên cũng nhắc đến khái niệm là nhận thức bản thân (self-perception). Mình sẽ viết một bài riêng về khái niệm này, mọi người cùng đón đọc nhé.)

2. Làm sao để tìm thấy và gia tăng động lực

Mình sẽ gợi ý một số cách mà chúng ta có thể tìm thấy, và nâng cao động lực của bản thân, bao gồm ngoại tại và nội tại.

Động lực ngoại tại Động lực nội tại
  • Tự thưởng cho bản thân mỗi khi bạn làm việc, học hành chăm chỉ (một món ăn, một món quà…)
  • Tìm thấy những việc mang đến cảm giác yêu thích, hăng say, và không khiến chúng ta chán nản. Tập trung vào những việc đó.
  • Chia sẻ hoạt động bản thân, nhận lời khen từ người khác
  • Tập trung vào Why-power: tìm ra những lý do vì sao chúng ta cần làm những việc này, tại sao chúng ta phải cố gắng và nỗ lực hơn.
  • Có được thu nhập từ công việc, tìm cách nâng cao thu nhập
  • Đọc sách, xem những videos, theo dõi những người mang đến động lực cho bạn. Xem những bài viết, videos chia sẻ kinh nghiệp sống, làm việc của những người thành công.  Làm việc này hằng ngày. 
 
  • Viết note động viên bản thân, dán những tờ note đó xung quanh không giản của bạn. 
   

3. Khi nào động lực thôi là chưa đủ? 

Mình từng được dạy bởi một người thầy là: Động lực chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn trong ngày, vào buổi sáng, trưa hoặc chiều tối, hoặc là sau khi chúng ta xem, đọc một điều gì đó mang lại động lực. Rõ ràng, thời gian động lực xuất hiện đó không thể nào đủ cho chúng ta hành động và theo đuổi mục tiêu của mình. Mình hay nghe nhiều người bảo rằng họ không có đủ động lực làm việc này việc kia, mặc dù họ biết điều ấy là cần thiết và có ích cho họ. Mình tin rằng suy nghĩ của họ là đúng đắn. Động lực chưa bao giờ là đủ để khiến một người trở nên hạnh phúc và thành công.

Vậy điều gì sẽ tay trong tay với động lực, giúp con người làm việc bền bỉ và hiệu quả nhất?

4. Đừng tìm động lực, hãy tìm nguồn cảm hứng. (Don’t seek motivation, inspiration instead).

Trong bảng ở trên, việc xem những videos, bài viết của những người thành công cũng là một cách để nâng cao động lực nội tại, nhưng chính việc này cũng mang đến cho chúng ta rất nhiều nguồn cảm hứng. Mình hay tìm nguồn cảm hứng bằng các videos trên Youtube, theo dõi những influencers và học thật nhiều từ họ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy cảm hứng từ sách vở, và nghệ thuật. Nói tóm lại, cảm hứng là điều thật sự “giữ lửa” chúng ta, khiến chúng ta có thể không ngừng đổi mới và phát triển hơn.

Ví dụ, để tìm cảm hứng cho lối sống tối giản và zero waste, mình thường hay xem bài viết và những videos về chủ đề này, tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước. Nhờ vậy, mình luôn có cảm hứng trong người để hành động, để thay đổi bản thân.

5. Đừng tìm động lực, thay vào đó hãy thiết lập kỷ luật. (Stop seeking motivation, cultivate discipline instead). 

Kỷ luật bản thân là một điều rất quan trọng. Không có bất cứ một người thành công nào có thể đạt được vị trí hiện tại của họ mà không đi kèm với một sự kỷ luật và tự chủ ghê gớm. Cho dù là việc dậy sớm, đến tập trung làm việc trong một thời gian nhất định, hay từ bỏ một số hoạt động vô bổ, thì kỷ luật bản thân đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành những thói quen và hoạt động thật sự có giá trị. Không dễ dàng như việc tìm cảm hứng, kỷ luật bản thân là một điều rất khó để thực hiện. Nghĩ đến việc phải dậy sớm vào bốn năm giờ sáng hằng ngày, hay ngừng lại việc lãng phí thời gian, hoặc không được phép trì hoãn công việc nữa, ắt hẳn ai trong số chúng ta cũng cảm thấy không hề dễ dàng. Chúng ta có thể kỷ luật bản thân được một hai ngày đầu, nhưng sau đó mọi chuyện lại trở về như cũ.

Nhưng rất may mắn, anh bạn kỷ luật của chúng ta lại là anh em ruột của một anh bạn khác: anh bạn thói quen.

Sở dĩ chúng ta làm những việc chúng ta làm, phần lớn là vì thói quen, vì phản xạ có điều kiện được chúng ta xây dựng qua thời gian dài và cố định trong tâm trí mỗi người. Vì thế, để thay đổi con người, chúng ta phải thay đổi thói quen. Khoa học cho thấy, con người chúng ta cần ít nhất 21 ngày để có được một thói quen mới hay loại bỏ những thói quen đã cũ. Đối với mình, 21 ngày không phải là dài, và chúng ta có thể thay đổi thói quen bằng việc đặt ra những mục tiêu thay đổi nhỏ, và theo dõi sự chuyển biến của bản thân trong suốt 21 ngày. Tập trung vào một thói quen vào một lúc, nâng dần cấp độ theo thời gian.

Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng và thiết lập thói quen, đó chính là tạo ra một routine (chu kỳ sinh hoạt) cho bản thân mình. Ví dụ như bạn sẽ thức dậy vào một giờ cố định, đọc sách vào một giờ, làm việc vào một giờ, vân vân. Trong khung thời gian cố định, bạn sẽ chỉ tập trung vào một công việc đó mà thôi. Điều này sẽ giúp bạn làm việc có hiệu quả, hoàn thành công việc của mình mà không cần nhờ đến động lực.

Ví dụ: Một routine buổi sáng lý tưởng của mình là thức dậy vào năm giờ sáng, viết morning pages, uống trà, ngồi thiền đến sáu giờ. Chăm sóc bản thân và ăn sáng đến bảy giờ ba mươi. Dọn dẹp, chuẩn bị công việc, sắp xếp lịch đến gần chín giờ. Và khoảng thời gian từ chín giờ đến mười một giờ ba mươi sẽ dành riêng cho công việc hoặc học hành.

6. ACTION! OR JUST DO IT

Có nghĩa là, chúng ta cứ đứng dậy, hoặc ngồi vào bàn làm việc, thực hiện hành động mà chúng ta nên làm, phải làm mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều và cố gắng tìm kiếm động lực cho hành động đó. Thông thường, mình sẽ hay đếm: một, hai, ba và rồi bắt đầu thực hiện công việc mà mình phải làm, dù có là dọn dẹp hay là viết bài. Mình sẽ không suy xét quá nhiều về việc có nên làm hay không, hay để lát nữa rồi làm. Vì việc đó cuối cùng sẽ chỉ khiến mình trì hoãn công việc và lãng phí thời gian mà thôi.

Vậy đó là tất cả những gì mình học và áp dụng được xoay quanh chủ đề động lực. Hãy comment cho mình biết suy nghĩ của mọi người nhé.

Thân thương.

Hoại Băng.

6 thoughts on “Động lực có thật sự quan trọng vậy không? Giải đáp bài toán về động lực.”

  1. Hoại Băng ơi, bài này bạn viết hay quá! “Inspiration-Discipline-Tack action”, combo công thức để đạt được mục tiêu. Cảm ơn bạn nhé.

    Like

  2. em đang lười, mà đọc bài của chị Băng là quyết tâm phải ngồi vào bàn lên kế hoạch học tập liền nè =)))

    Liked by 1 person

Leave a comment