Những sắc màu của sóng não

Đây là bài viết được chỉnh sửa và bổ sung từ bài viết giới thiệu về sóng não của mình trước đây. Trong bài này, ngoài việc cung cấp kiến thức căn bản về sóng não, mình cũng sẽ nhắc đến làm thế nào chúng ta có thể “làm chủ” sóng não, cũng như việc tìm đến sự tĩnh lặng mang đến lợi ích gì cho bộ não của chúng ta. 

Về cơ bản, bộ não của chúng ta hoạt động như một nguồn điện, mà sự liên kết giữa các tế bào thần kinh chính là sự thiết lập nên nguồn điện đó. Sóng não được tạo ra từ sự đồng bộ giữa các xung điện xuất hiện trong sự giao tiếp của các nơ-ron.

Sóng não được phát hiện bằng cách sử dụng máy cảm biến đặt trên đầu người, và được chia thành các băng thông khác nhau dựa vào tần suất và chức năng, nhưng đặc biệt được gọi là phổ liên tục của ý thức: từ chậm, ồn, và cơ bản đến nhanh, tinh vi, và phức tạp.


Sóng não được đo bằng đơn vị Hertz (Hz – chu kì trên dây), và được chia ra làm năm loại chính cùng với sóng Infra – low (<0.5hz)

+ Infra-low (<0.5Hz): Sóng infra-low còn được gọi là Tiềm năng chậm của vỏ não, được cho là nhịp điệu cơ bản của não, làm nền tảng cho các hoạt động não bộ. Vì sóng não này rất chậm nên rất khó đo lường. Nghiên cứu cho rằng loại sóng não này có vai trò trong việc phát triển theo thời gian và kết nối của não bộ.

+ Sóng Delta (0.5 – 3Hz): Sóng Delta có tần số chậm nhưng lại rất mạnh và ồn (như tiếng trống đánh nhịp chậm nhưng vang tiếng to). Loại sóng não này xuất hiện khi não bộ đang ở trong trạng thái thiền định cực kỳ sâu hoặc khi chúng ta đang chìm trong giấc ngủ không mộng mị. Sóng Delta ngăn chặn việc tiếp nhận những tín hiệu từ bên ngoài, và tập trung vào những hoạt động đang diễn ra bên trong cơ thể, đặc biệt là quá trình tự chữa lành và tái sinh. Điều này lý giải tại sao việc thiền định và ngủ sâu có tác dụng rất tốt cho cơ thể và tinh thần chúng ta.

+ Sóng Theta (3 – 8Hz): Sóng não này cũng xuất hiện trong quá trình ngủ (ngủ nông và trạng thái ngủ chuyển động mắt nhanh – REM) và thiền định sâu. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ ký ức, thúc đẩy quá trình học tập và nhận thức, tăng khả năng hiểu biết và trực giác. Sóng Theta cũng xuất hiện trong khi chúng ta đang mơ, đồng thời gắn liền với vô thức – nơi lưu trữ sự nỗi sợ, cơn ác mộng, và những ký ức không đẹp của chúng ta.

+ Sóng Alpha (8-12Hz): Sóng não này xuất hiện khi chúng ta âm thầm suy nghĩ về điều gì đó, nhưng không phải trong trạng thái thiền định, và cũng xuất hiện khi chúng ta đang ở trong trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn, và não bộ cũng được nghỉ ngơi. Mặc dù là trong trạng thái thư giãn, sóng Alpha lại góp phần làm cho suy nghĩ chúng ta trở nên sáng suốt, bình tĩnh và tập trung hơn, và dễ ghi nhớ mọi thứ hơn, phù hợp cho việc “giao tiếp” giữa cơ thể và tâm trí, hay là học tập.

+ Sóng Beta (12-38Hz): Loại sóng này đại diện cho tinh thần ý thức tỉnh táo, hoạt động bình thường của con người. Nó khiến chúng ta đưa ra được những quyết định nhanh, sáng suốt, logic và nâng cao khả năng giải quyết và đánh giá mọi chuyện. Khi sóng não này ở tần suất càng cao, chúng ta còn có xu hướng hành động hăng say, mê thích, và tỉnh táo hơn, vì thế nó hay gắn liền với những khoảng thời gian chúng ta vận động, chơi thể thao, hay diễn thuyết. Tuy nhiên, ở lâu trong sóng não Beta, con người sẽ có xu hướng trở nên căng thẳng, lo lắng, bồn chồn, bất an vì nó sử dụng một lượng năng lượng rất lớn. Trong thời đại này, hầu hết mọi người đều cảm thấy stress vì họ ở trong trạng thái sóng não Beta quá lâu.

+ Sóng Gamma (38-42Hz): là sóng não có cường độ nhanh nhất, góp phần vào việc xử lý thông tin từ rất nhiều phần khác nhau của não bộ. Nó giúp việc truyền thông tin được diễn ra nhanh nhất, và có thể bắt được những thông tin thần kinh tinh vi nhất. Ở trong trạng thái này, con người có thể trải nghiệm những xúc cảm thăng hoa đẹp đẽ nhất của tình yêu bác ái, sự vị tha và từ bi tột cùng. Với sóng não này, chúng ta cảm thấy được rằng chúng ta có thể làm được bất cứ điều gì. Sóng não này được ghi nhận xuất hiện ở những thiên tài, và những người đạt được thành tựu vô cùng vinh quang, cũng như ở các thầy tu thâm niên.

Đó là những thông tin cơ bản, và từ thông tin đó, mình nghĩ chúng ta có thể tận dụng nó để biết cách điều chỉnh sóng não của mình nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần và gia tăng hiệu quả học tập và làm việc. Và tin vui là bằng việc thay đổi nhận thức, suy nghĩ, hơi thở và các hoạt động đơn giản khác, chúng ta có thể thay đổi từ trạng thái sóng não này sang trạng thái khác.

Đối với việc học, thì các nghiên cứu đã chứng minh rằng ở trong trạng thái sóng Alpha, khi cơ thể và bộ não được thư giãn nhưng tập trung và sáng suốt thì hiệu quả học tập sẽ cao nhất. Vì thế, chúng ta được khuyên rằng trước khi học bài hãy hít thở sâu, làm chậm lại nhịp điệu của sóng não, đưa sóng não từ Beta sang Alpha. Ngoài ra, chúng ta còn có thể sử dụng âm nhạc có chứa sóng Alpha hoặc khiến bộ não tạo ra sóng Alpha cho việc học.

Việc cân bằng, chữa lành, và tái sinh cơ thể là vô cùng quan trọng. Cho nên việc đưa cơ thể về trạng thái sóng Theta và Delta là cực kỳ cần thiết cho sức khoẻ tinh thần và thể lý của chúng ta. Theo nghiên cứu, sóng não Delta có liên hệ đến việc cải thiện giấc ngủ, giảm đau đầu và lo âu. Vì thế việc nghe nhạc với sóng Delta rất được khuyết khích. Ngoài ra, chúng ta có thể đưa bộ não về trạng thái sóng Delta bằng cách cố gắng có giấc ngủ thật sâu, không bị làm phiền và ngắt quãng. Thiền định mỗi ngày, tập trung suy nghĩ về hiện tại, nghe nhạc nhẹ là những cách để làm chậm sóng não của chúng ta, dễ khiến chúng ta rơi vào giấc ngủ hay thiền định sâu. Trong trạng thái sóng Theta và Delta, luôn có sự hoà hợp về tinh thần và thể xác của con người, đồng thời tạo nên sự kết nối giữa con người và vũ trụ xung quanh. Điều này góp phần giảm nguy cơ mắc phải những rối loạn tâm lý, tăng nhận thức về bản thân và thế giới, tạo dựng nên một tâm thức vững vàng cũng như sự đồng cảm, cảm thông với mọi chuyện xung quanh.

Để đạt được trạng thái sóng não Delta và thậm chí cả Gamma một cách linh hoạt và dễ dàng, đòi hỏi một quá trình luyện tập và nuôi dưỡng tinh thần lâu dài. Và việc tập trung vào hiện tại, sống chậm, hít thở sâu, giảm thời gian của trạng thái sóng Beta là những bước khởi đầu của quá trình nuôi dưỡng đó. 

Với nhận thức rằng bộ não của chúng ta hoàn toàn có thể được thay đổi, cải thiện bởi những hoạt động thường nhật, thì việc thay đổi trạng thái sóng não bản thân cũng trở nên khả thi hơn. Mong rằng việc hiểu thêm về bản chất và cách thức vận hành của các trạng thái sóng não, mọi người sẽ tìm được phương pháp để cải thiện khả năng học tập, làm việc, và nghỉ ngơi của bản thân, cũng như gia tăng hiệu quả trong cuộc sống.

Thân thương

Hoại Băng

4 thoughts on “Những sắc màu của sóng não”

Leave a comment