Sau hai ngày cố gắng ổn định ở một thành phố mới, thì cuối cùng mình cũng xoay sở mua được máy tính. Cảm giác như mọi công việc đều đang dồn ứ lại với nhau rồi. May là giờ mình cũng có thể ngồi xuống viết bài thật đàng hoàng cho blog này rồi.
Hôm nay thì mình tiếp tục với Q&A nhé. Đây là những câu hỏi mà mình vốn dĩ định làm cho podcast số 2 của mình, nhưng gặp phải nhiều trục trặc nên podcast đó đã không được hoàn thành. Vì vậy mình quyết định sẽ viết bài trả lời thay vào đó.
Mọi người hãy cùng mình thảo luận những câu hỏi lần này nhé.
- Làm thế nào để định hướng dài hạn tương lai, công việc cho bản thân?
Mình nghĩ rằng, việc gọi là “định hướng dài hạn trong tương lai” thật ra sẽ không dài lắm đâu, vì con người chúng ta sẽ thay đổi, và môi trường xung quanh chúng ta đều thế. Có lẽ thời gian từ ba đến năm năm là đủ để cho chúng ta vạch định một kế hoạch dài hạn, nhưng nó cũng có thể chỉ chi tiết đến mức: “à sau năm năm tới mình sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua một chiếc ô tô” chẳng hạn. Và không có gì đáng tiếc nếu mục tiêu và con đường dài hạn ấy có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Đối với mình, việc định hướng bản thân trong tương lai không phụ thuộc vào thời gian nhiều, mà nó phụ thuộc và mục tiêu cuối cùng. Mình đặt ra cho bản thân là mình sẽ trở thành một người như thế nào, sẽ làm được gì, sẽ có được những thành quả nào. Và sau đó mình sẽ xem xét ngược lại, đi ngược lại để xác định những bước cần thiết mình phải làm để đạt được mục tiêu đó. Ví dụ như, mục tiêu của mình là giúp blog đạt được 100 người theo dõi trước cuối năm 2017. Để đạt được mục tiêu đó, mình đi ngược lại xem mình cần phải làm gì để hoàn thành mục tiêu: xây dựng và hoàn thiện blog, viết bài, chạy truyền thông, vân vân và mây mây. Một ví dụ khác là mình muốn trở thành một mentor, thì mình xem xét thử khoảng cách giữa mình bây giờ và người mentor trong tương lai ấy là bao xa, và liệt kê tất cả những mình cần làm để rút ngắn khoảng cách đó. Và mình sẽ thực hiện mọi thứ như vậy. Tất nhiên việc đặt ra deadline cụ thể là cần thiết, nhưng mình khuyến khích mọi người hãy đặt ra những milestones (chặng) ngắn như mục tiêu sau ba tháng, sáu tháng, và một năm.
Một phần rất quan trọng trong việc định hướng tương lai đó là bạn phải hiểu mình muốn làm gì, mình có thể làm gì, và mình giỏi nhất trong việc gì. Bạn nên luôn luôn phải hiểu được bản thân, hoặc ít nhất là một phần năng lực và khao khát của bản thân tại thời điểm mà bạn bắt đầu. Hãy dành cho bản thân một hai ngày thư giãn, thoải mái, và rồi liệt kê tất cả những ưu điểm, khuyết điểm, khả năng, và sở thích của bạn ra, đi kèm với mục tiêu công việc của bạn. Từ đó bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy con đường mình phải đi hơn.
Đối với những bạn không biết mình giỏi gì, hoặc thích hay đam mê gì? Hãy bắt đầu bằng ba việc: thứ nhất là xác định bạn có hứng thú, hay tò mò về cái gì. Đó không cần là một sở thích to lớn, chỉ cần là một lĩnh vực mà bạn cảm thấy thích thú, và hãy bắt đầu từ lĩnh vực đó. Điều thứ hai bạn nên làm là nhờ những người xung quanh bạn nhận xét về ưu điểm và khả năng của bạn. Hỏi người thân, bạn bè, giáo viên, cố vấn của bạn xem thử bạn có khả năng làm việc trong lĩnh vực gì. Đôi khi bạn chưa nhận ra được mình làm tốt việc gì nhất cho tới khi một người nào đó chỉ ra giúp bạn. Điều cuối cùng, là hãy đắm chìm trong một lĩnh vực, trở nên giỏi giang hơn cho đến khi bạn cảm thấy mình thật sự mê nó, hoặc phát hiện nó không hợp với mình để có sự thay đổi. Đây là một quá trình không thể rút ngắn được, nhưng tin mình, bạn sẽ luôn có những kinh nghiệm tuyệt vời sau những lần trải nghiệm đắm chìm như thế.
2. Làm thế nào để sử dụng hợp lý “thời gian vàng” lúc mới tốt nghiệp đại học xong?
Cụm từ “thời gian vàng” là từ mình dùng để chỉ thời điểm mà chúng ta vừa tốt nghiệp đại học xong, hoặc đơn giản là khi chúng ta đang trong những năm tháng tuổi 20, chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, ngoại trừ trách nhiệm về chính cuộc đời bạn.
Những người trẻ chúng ta thật sự đang sống trong những năm tháng trẻ trung, và giàu sức lực nhất của đời người. Đây là thời điểm mà bạn có đủ năng lượng và thời gian để làm việc chăm chỉ và cần mẫn ngày qua ngày. Đây là thời điểm mà chúng ta có thể làm một lúc hai ba việc đồng thời với việc phát triển con người. Đây là thời điểm mà chúng ta có thể sống khó khăn một chút, trong những điều kiện sống không được đầy đủ một chút nhưng đảm bảo chúng ta sẽ có những khoản tiết kiệm hợp lý. Đây là thời điểm bộ não lẫn toàn bộ con người chúng ta có thể phát triển theo hướng tốt đẹp khả dĩ nhất. Vì vậy, mình luôn nghĩ giai đoạn này là “thời gian vàng” cho chúng ta học tập, làm việc, và trải nghiệm nhiều nhất có thể về cuộc đời.
Điều đầu tiên mình làm trong “thời gian vàng” này luôn là định hướng bản thân, xác định xem con đường mình sẽ đi trong tương lai tới là như thế nào, và đặt ra mục tiêu cho bản thân. Để từ đó mình bắt tay vào làm việc hết sức mình để đạt được những mục tiêu mà mình có, dù đó có là mục tiêu công việc, học hành, hay hoàn thiện nhân cách đi chăng nữa. Đối với một số bạn khác, mình khuyên các bạn nếu có thể, hãy kiếm việc làm ngay lập tức. Mình không tin vào những lời than thở về câu chuyện “cử nhân thất nghiệp.” Các bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc nếu như các bạn chấp nhận làm một số công việc hơi nặng nề, hoặc không đúng chuyên ngành một chút. Những công việc đó giúp các bạn nuôi sống bản thân, độc lập về tài chính hơn, và thậm chí bạn có thể học được rất nhiều điều từ những công việc ấy. Nhân tiện, hãy làm hai ba công việc một lần nếu bạn có thể. Tiền tiết kiệm sẽ không bao giờ đối xử tệ với bạn đâu. *cười* Đây cũng là bước đệm cho các bạn theo đuổi đam mê của mình sau này.
Đối với một số bạn có niềm đam mê, và đang làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích. Đây thực sự là một điều tuyệt vời. Lời khuyên của mình là hãy liên tục tạo ra sản phẩm, tham dự các dự án, cho người khác nhìn thấy những thành quả của bạn ngày qua ngày. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn. Và kho thành quả của bạn sẽ đồ sộ đến ngạc nhiên.
Đừng sợ. Chúng ta có thể lo lắng và không chắc chắn về mọi thứ. Hầu hết ai cũng vậy cả. Nhưng mình mong là chúng ta sẽ không sợ hãi, và sẵn sàng làm bất cứ mọi điều để có thêm nhiều trải nghiệm, và học hỏi thêm được nhiều điều trong cuộc sống.
Cuối cùng, đây là những năm tháng để bạn hoàn thiện bản dạng cá nhân của mình, sao cho nó mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp nhất. Mình sẽ sớm viết bài về bản dạng cá nhân và làm thế nào để thay đổi con người cho các bạn nhé.
3. Những nguồn thông tin nào Băng hay dùng để cập nhật tin tức?
Mình không đọc báo, các trang mạng báo xã hội Việt Nam. Lý do vì đa số chúng là rác, hoặc những thông tin không có lợi cho đầu óc mình, nên mình cũng khuyên những người khác cũng làm vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là mình không cập nhật tin tức. Nguồn thông tin của mình thường đến từ những người xung quanh. Nói đúng hơn là mình có follow, hoặc kết bạn với những người giỏi, có tiếng nói tốt trong xã hội hoặc là những người có cái nhìn rất toàn diện hoặc độc đáo về các sự kiện xã hội. Từ họ, mình biết được chuyện gì đang xảy ra trên thế giới, cộng thêm cách nhìn nhận của họ. Đó là những nơi mình cập nhật thông tin, và tham khảo những điều mà mình cần được biết. Ngoài ra thì mình có nhiều người bạn hay cập nhận tin tức xã hội với cái nhìn nhân văn và đúng đắn hơn, thì những status của họ sẽ là nguồn thông tin của mình.
Tóm lại thì nhu cầu cập nhận tin tức của mình không cao nên những nguồn thông tin như vậy là hoàn toàn đủ và bổ ích với mình rồi. : P Nhưng mà giờ để nhắc đến những người mình follow là những ai thì mình là không nhớ được hết. Trong đó sẽ có chị Nguyễn Phương Mai, bác Đặng Hoàng Giang, thầy Ngô Bảo Châu, cô Nguyễn Phi Vân, Nguyễn Ngọc Long – Truyền thông Trăng đen, và nhiều người khác. Còn bạn bè mình thì nhiều nhưng mình không có đưa họ vào đây đươc. *cười.”
4. Băng có thể chia sẻ thêm về việc marketing bản thân bằng facebook? liệu người hướng nội có phải marketing bản thân trên đó?
Mình đang dùng Facebook để giới thiệu thương hiệu của mình (à thì là Hoại Băng và the mini hygge). Mình nghĩ không phải bất cứ ai cũng cần quảng bá bản thân trên Facebook, vì nó phụ thuộc vào tính chất công việc của bạn, hoặc lý do đằng sau việc marketing trên Facebook là gì. Công việc của mình đòi hỏi sử dụng mạng xã hội và các mối quan hệ trên Facebook rất nhiều, cũng như nó là cách mình đối thoại với mọi người xung quanh, nên việc sử dụng Facebook cẩn thận và có chủ ý là cần thiết.
Chúng ta có thể xem xét liệu bản thân mình có cần phải xây dựng thương hiệu của mình trên Facebook không? Liệu một ngày nào đó sếp tương lai của chúng ta có đột nhiên stalk Facebook của chúng ta không? Lời khuyên của mình là nếu như việc marketing là không cần thiết và quá xa vời, chúng ta cũng có thể bắt đầu bằng việc “làm sạch” Facebook của mình như xoá đi những thông tin không cần thiết, xoá đi những status cảm xúc cá nhân hoặc quá riêng tư và mang tính tiêu cực chẳng hạn. Chia sẻ những gì thể hiện góc nhìn, và bản thân bạn, sao cho người khác nhìn vào có thể thấy một phần hình ảnh con người bạn: nghiêm túc, nhiệt tình, chỉnh chu, hay nghệ thuật… Chúng ta có thể hoàn toàn phóng chiếu bản thân mình lên Facebook như thế.
Mình là người hướng nội, và mình sử dụng Facebook, mạng xã hội cho công việc và học tập hằng ngày. Mình nghĩ quan trọng là bạn chỉ cần làm những điều khiến cho bạn thân mình cảm thấy thoải mái. Nếu như nó không khiến bạn thoải mái, và không giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu công việc, thì đừng để việc marketing trên Facebook làm bạn ưu sầu hơn nữa, đúng không? ; )
5. Khi bị người khác nhận xét về bản thân mình, quá nhiều định kiến khác nhau, tự chính bản thân mình thấy hoang mang không hiểu có phải bản thân mình như lời nhận xét của họ, hay như những cảm nhận của mình về chính mình xưa nay, Băng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này không, nếu có thể, mong Băng sẽ chia sẻ cách để tự kiểm tra bản thân trong trường hợp này.
Việc đầu tiên mà chúng ta luôn nên làm, đó là hiểu đươc bản thân. Mình luôn cố gắng có được cái “sense of self” (nhận thức bản thân) rất mạnh mẽ, như việc mình hiểu được mình là ai, mình như thế nào, mình sẽ làm gì, tính cách mình ra sao. Khi chúng ta có những cái sense of self rất mạnh mẽ, thì những người góp ý của người khác chỉ là những sự tham khảo để qua đó chúng ta đối chiếu bản thân mình một lần nữa. Vì thế, việc cần làm trước khi suy nghĩ về định kiến của người khác, là phải hiểu thấu bản thân.
Thứ hai, khi nghe được những lời nhận xét của người khác. Mình muốn được nghe họ giải thích thêm về điều ấy. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được dụng ý của lời nhận xét: họ đang muốn giúp mình tốt hơn, hay họ đang muốn chỉ trích mình để mình cảm thất tồi tệ, hay họ đang muốn biến bản thân họ trở thành nạn nhân? Mình nghĩ chúng ta có thể quyết định sẽ xử lý với lời nhận xét như thế nào sau khi đã hiểu được dụng ý và muc đích của người khác.
Nghe, thấy, hỏi, tự đánh giá và đối chiếu với sense of self. Nếu như bạn cảm thấy lời nhận xét là đúng và nó giúp mình tốt hơn, hãy thử thay đổi. Còn nếu nó không có tác dụng gì ngoài việc khiến tâm trạng bạn tệ hơn thì có thể gạt nó qua một bên được rồi đấy.
6. Băng có thể chia sẻ thêm về việc sử dụng tốt 24h trong ngày của Băng cho mọi người không?
Mình vẫn chưa dùng tốt 24h một ngày của mình đâu. *cười*
Nó sẽ là như thế này: bắt đầu với tại sao? Tại sao bạn muốn sử dụng tốt một ngày của mình? Tại sao điều đó lại quan trọng? Hầu hết chúng ta có được ý niệm đơn thuần rằng: không được lãng phí thời gian, mà không thử một lần suy nghĩ tại sao chúng ta không được lãng phí. Việc tìm cho mình những lý do hợp lý và đủ mạnh mẽ sẽ khiến bản cẩn thận và chi li hơn với quỹ thời gian của mình.
Bản thân mình rất sợ việc lãng phí thời gian. Đơn giản vì mình có rất nhiều điều mình phải làm, muốn làm, và có quá nhiều thứ hay ho để mình khám phá trong cuộc đời này. Vì thế việc lãng phí thời gian là một điều rất nguy hiểm với mình, vì nó bòn rút thời gian dành cho những gì thật sự ý nghĩa, và vì mình không biết quỹ thời gian còn lại của mình là bao nhiêu.
Bắt đầu với 24 giờ, dành ra 8 giờ để ngủ, 2 giờ để ăn, 1 giờ nữa để thực hiện những việc cán nhân. Vậy 13 tiếng còn lại chúng ta nên làm gì để đạt được hiệu quả cao nhất. Mình luôn nghĩ rằng phải dành ra thêm 1 tiếng nữa để cho các hoạt động thể dục thể thao hoặc vận động cơ thể, và ngồi thiền. Những việc như ăn ngủ, tập thể dục sẽ giúp bạn có sức khoẻ và minh mẫn đề hoàn thành tốt công việc trong thời gian còn lại của ngày.
Bước tiếp theo là lên danh sách những việc bạn cần làm trong ngày. Bắt đầu từ những việc khó nhất, và quan trọng nhất. Trong tiếng Anh có cụm từ là “eat the frog” ám chỉ chúng ta nên làm việc khó nhằn nhất vào buổi sáng, ngay khi bạn bắt đầu làm việc. Điều này sẽ khiến công việc của bạn luôn đúng tiến độ và hiệu quả hơn nhiều. Sau khi qua những việc khó nhất và quan trọng nhất, bạn sẽ làm những việc nhỏ và thường nhật hơn như gởi email, đọc thông tin, hay chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, giặt đồ. Đừng quên gạch việc bạn đã làm trong to-do list để có được cảm giác vui vẻ do dopamine đem lại nhé.
Sau khi hoàn thành các công việc cần làm, chúng ta có thể làm gì nữa đây? Đối với mình là đọc sách, tìm hiểu thêm về những gì mình quan tâm, trò chuyện với gia đình, bạn bè, xem phim tài liệu, nghe nhạc và nhún nhảy, chăm sóc bản thân. Đây sẽ là thời gian để mình cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn, hoặc học thêm được một số điều gì đó.
Với cá nhân mình, mình rất hạn chế những công việc tốn thời gian hoặc vô bổ như lướt mạng không mục đích, xem phim, đọc truyện, hoặc không-làm-gì-cả. Tất nhiên thỉnh thoảng giải trí một lúc cũng tốt, nhưng với mình những hoạt động đó không mang lại nhiều niềm vui và sự giải trí cho mình lắm nên mình hạn chế tới mức có thể. Mình hoàn toàn có thể thư giãn với những hoạt động ở trên nên mình cũng không có nhiều nhu cầu cho những hoạt động vô bổ kiểu này lắm. : )
Mình nghĩ chúng ta có thể thử xem xét lại một ngày của mình, xem thử chúng ta đã làm được gì và lãng phí bao nhiêu thời gian trong ngày rồi. Nhiều khi mình cảm thấy buồn bực vì đã lãng phí rất nhiều thời gian trong ngày cho những việc đâu đâu luôn ấy. Nhưng tất cả đều sẽ là bài học, và chúng ta có thể cố gắng hơn một chút mỗi ngày để cuối cùng mọi chuyện sẽ luôn đâu và đó thôi.
Đừng quên để bản thân tránh khỏi xao nhãng khi làm việc bạn nhé. Làm nhiều việc cùng một lúc, bị xao nhãng bởi các tác nhân bên ngoài sẽ là hung thủ giết chết hiệu suất làm việc của chúng ta đấy. Mọi người có thể đọc thêm bài viết về sự đơn nhiệm – monotasking của mình để hiểu thêm về điều này nhé.
Mong rằng bài viết này sẽ có ích cho mọi người. Nếu các bạn có câu hỏi gì thì cứ nhắn cho mình, và mình sẽ trả lời trong những Q&A sắp đến nhé. Và mình cũng đang có ý định biết bài Q&A về du học nên các bạn có thắc mắc gì về chủ đề này hãy cứ nhắn mình nhé.
Keep hygge,
Hoại Băng.